Kinh tế 7 tháng phục hồi tương đối rõ nét
(ĐCSVN) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kinh tế nước ta 7 tháng qua đã phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn; các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt tốc rõ nét. Các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy hơn nữa tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, sự chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng quý III đạt kịch bản 6,5-7,4%, tạo bản lề để hoàn thành đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: MPI) |
Kinh tế 7 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng
Cụ thể, báo cáo tại phiên họp định kỳ tháng 7 của Chính phủ ngày 5/8, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng tăng 4,12% so với cùng kỳ, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội; tác động của chính sách tiền lương mới là không đáng kể. Tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, hài hòa với điều hành lãi suất. Thu gân sách nhà nước (NSNN) 7 tháng ước đạt 69,8% dự toán, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu 7 tháng tăng lần lượt 15,7% và 18,5%; ước xuất siêu 14,08 tỷ USD. Các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép.
Đáng chú ý, các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp, dịch vụ duy trì đà tăng khá. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 11,2% so với cùng kỳ, 07 tháng tăng 8,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 đạt 54,7 điểm, là tháng thứ tư liên tiếp trên 50 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục phục hồi.
Trong tháng 7, có gần 23 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 10,5% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng có 139,5 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (125,5 nghìn doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Tổng vốn FDI đăng ký 7 tháng đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới đạt gần 10,8 tỷ USD, tăng 35,6%, vốn FDI đăng ký điều chỉnh đạt gần 5 tỷ USD, tăng 19,4%; vốn FDI thực hiện khoảng 12,6 tỷ USD, tăng 8,4%. Chất lượng dòng vốn FDI tăng mạnh nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng. Thị trường bất động sản chuyển biến tích cực, các hoạt động giao dịch dần tăng trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9,4% so với cùng kỳ, 7 tháng tăng 8,7%; khách quốc tế 07 tháng đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51%. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, nhất là xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản; tăng trưởng xuất khẩu sang một số thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản… đã cơ bản phục hồi trong tháng 7.
Đặc biệt, nước ta đã quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, bảo đảm thi hành Luật từ ngày 01/8/2024; ban hành Nghị định thí điểm phân cấp quản lý nhà nước cho TP. Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát vướng mắc của hệ thống pháp luật, nghiên cứu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 để tháo gỡ. Trong 7 tháng, đã thực hiện miễn, giảm 87,2 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí (trong đó miễn, giảm khoảng 55,1 nghìn tỷ đồng). Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, sửa đổi gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội theo hướng nâng mức giảm lãi suất với người mua nhà. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm; xử lý các vấn đề tồn đọng, doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”…; triển khai Đề án đầu tư 01 triệu căn nhà ở xã hội; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch; phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
Số liệu báo cáo nêu rõ, đến ngày 31/7/2024, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ chi tiết 642,7 nghìn tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 26,5 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vốn NTSW là 6,1 nghìn tỷ đồng, vốn NSĐP là 20,4 nghìn tỷ đồng. Ước thanh toán đến 31/7/2024 là khoảng 232,1 nghìn tỷ đồng, đạt 34,68% kế hoạch (cùng kỳ năm 2023 đạt 37,85%). Có 33 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước.
Đến ngày 31/7/2024, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết khoảng 26.345,48 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư (đạt 97% kế hoạch) và 19.678,933 tỷ đồng vốn sự nghiệp (đạt 100% dự toán) cho 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia (CTMTQG). Ước giải ngân vốn đầu tư công khoảng 11.841 tỷ đồng, đạt khoảng 44% kế hoạch.
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên. Chính sách tiền lương được tổ chức thực hiện kỹ lưỡng, kết hợp với giải pháp truyền thông để hạn chế tối đa tác động lên lạm phát, giá cả hàng hóa, dịch vụ. Các chương trình tín dụng 7 tháng đã hỗ trợ vay vốn cho 1,5 triệu đối tượng, tạo việc làm cho hơn 445 nghìn lao động. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Kịp thời làm tốt công tác hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở tạm cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai. Tỷ lệ hộ dân đánh giá có thu nhập không thay đổi và tăng lên trong tháng 7 là 95,8%.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Trong tháng 7, nhiều hoạt động có ý nghĩa được tổ chức để kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ, ngày truyền thống của các lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân, An ninh đối ngoại... Lễ Quốc tang cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trang trọng, chu đáo, an toàn, thể hiện tình cảm sâu nặng và biết ơn sâu sắc về những đóng góp to lớn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với hàng trăm đoàn quốc tế, hàng nghìn đoàn với hàng trăm nghìn người dân đến viếng, đưa tiễn. Qua đó, đã thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khơi dậy ý chí quyết tâm của toàn thể đồng bào ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ổn định chính trị được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Tình hình an ninh, trật tự cơ bản ổn định; làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, xuất cấp gạo kịp thời để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được chú trọng.
Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai chủ động, tích cực và hiệu quả. Tổ chức thành công chuyến thăm của Chủ tịch nước sang Lào, Campuchia; Thủ tướng Chính phủ sang Ấn Độ; tiếp đón chu đáo Lãnh đạo các nước đến dự Lễ Quốc tang cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Các hoạt động đối thoại kinh tế đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ tiếp tục được triển khai tích cực. Vị thế, uy tín của Việt Nam tiếp tục được nâng lên, mở ra các cơ hội hợp tác, hướng phát triển mới cho đất nước.
Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, trọng tâm là kiểm soát lạm phát (Ảnh: HNV) |
Đồng bộ giải pháp phát triển kinh tế từ nay đến cuối 2024
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt nghiêm, thực hiện toàn diện, hiệu quả hơn nữa các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị quyết 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, Công điện số 71/CĐ-TTg, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của từng bộ, cơ quan, trong đó, lưu ý 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính:
Thứ nhất, khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xác định đây là động lực tạo bứt phá cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tới.
Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Thứ ba, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, trọng tâm là kiểm soát lạm phát.
Thứ tư, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng.
Thứ năm, chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường... Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão lũ, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.
Thứ sáu, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tiếp tục củng cố và không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Thứ bẩy, tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
Thứ tám, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; khẩn trương hoàn thành các đề án, nhiệm vụ đã quá hạn, khắc phục tình trạng nợ đọng các nhiệm vụ được giao. Kiên quyết chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm./.