Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kinh tế 5 tháng tiếp tục duy trì đà phát triển

Thứ Hai, 03/06/2024 16:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực, mặc dù còn nhiều khó khăn. Nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao. Kinh tế cơ bản tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định

Infographic về sản xuất nông nghiệp tháng 5 và 5 tháng đầu 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) 

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê chỉ ra, sản xuất nông nghiệp tháng 5 trọng tâm là chăm sóc lúa đông xuân tại các địa phương phía Bắc; chăm sóc, thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và xuống giống lúa hè thu tại các địa phương phía Nam. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển khá, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp ổn định, các địa phương tiếp tục trồng rừng mới tập trung theo kế hoạch. Nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tốt nhờ áp dụng các phương thức nuôi trồng tiên tiến, hiệu quả. Khai thác thủy sản biển đạt kết quả khả quan do thời tiết tương đối thuận lợi. Tín hiệu mừng trong ngành lâm nghiệp là diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 5/2024 ước đạt 30,3 nghìn ha, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2023 do thời tiết thuận lợi. Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng là 204,9 ha, giảm 38,6% cùng kỳ 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 652,2 ha rừng bị thiệt hại, giảm 24,8% so với cùng kỳ 2023.

Một tín hiệu vui nữa, đó là sản lượng thủy sản tháng 5/2024 ước đạt 801,3 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2023; sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 5 ước đạt 434,8 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 366,5 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ 2023 do thời tiết ngư trường thuận lợi. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 3.515,2 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ 2024.

Infographic về sản xuất công nghiệp, đầu tư tháng 5 và 5 tháng đầu 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) 

Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ 2023. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2024 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ 2023.

Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 5, cả nước có hơn 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 93,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 72,6 nghìn lao động, giảm 13,7% về số doanh nghiệp, giảm 47% về vốn đăng ký và giảm 23,6% về số lao động so với tháng 4/2024. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 7,1 tỷ đồng, giảm 38,5% so với tháng trước và giảm 17,7% so với cùng kỳ 2023. Số doanh nghiệp cả nước quay trở lại hoạt động còn có 6.749 doanh nghiệp, giảm 18,8% so với tháng trước nhưng tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 64,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 601,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 426,4 nghìn lao động, tăng 4,5% về số doanh nghiệp, tăng 5,7% về vốn đăng ký và tăng 5% về số lao động so với cùng kỳ 2023. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023 với gần 34,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong giai đoạn này lên hơn 98,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,1% so với cùng kỳ 2023. Bình quân mỗi tháng có 19,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Infographic về hoạt động vận tải, du lịch... tháng 5 và 5 tháng đầu 2024. (Nguồn: Tổng cục Thống kê) 

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5/2024 được các Bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 26,6% kế hoạch năm, tăng 5,0% so với cùng kỳ 2023. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ 2023. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5/2024 ước đạt 48,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 190,6 nghìn tỷ đồng, bằng 26,6% kế hoạch năm và tăng 5,0% so với cùng kỳ 2023.

Infographic về tổng mức bán lẻ, xuất nhập khẩu... tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) 

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2024 có 42 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 103,5 triệu USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ 2023; có 10 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 32,5 triệu USD, giảm 81,3%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 136,1 triệu USD, giảm 57,0% so với cùng kỳ 2023.

Thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2024 ước tăng 14,8% so với cùng kỳ 2023. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân giảm sau kỳ nghỉ lễ dài của tháng trước, tuy nhiên so với cùng kỳ 2023 tăng 9,5% nhờ sự đóng góp tích cực của ngành du lịch. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ 2023, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,1%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 45,1%.

Trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ 2023, trong đó xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%. 

Về cán cân thương mại hàng hóa, sơ bộ tháng 4 xuất siêu 1,07 tỷ USD; 4 tháng đầu năm xuất siêu 9,01 tỷ USD; tháng 5 ước tính nhập siêu 1,0 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD.

Vận tải hành khách tháng 5/2024 tăng 4,3% về vận chuyển và tăng 9,6% về luân chuyển so với cùng kỳ 2023; vận tải hàng hóa tăng 11,4% về vận chuyển và tăng 4,8% về luân chuyển. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, vận chuyển hành khách tăng 6,1% và luân chuyển tăng 12,7% so với cùng kỳ 2023; vận chuyển hàng hóa tăng 11,4% và luân chuyển tăng 7,9%.

Chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ 2023. Trong tháng 5/2024, số lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 51,0% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9%. 

Một hoạt động trong lễ hội mùa vàng Tam Cốc, Ninh Bình vừa mới đây thu hút đông du khách trong và ngoài nước tham gia, góp phần gia tăng giá trị du lịch của Việt Nam. (Ảnh: Hồng Nguyễn) 

Những dự báo đầy triển vọng

Nhiều tổ chức kinh tế trong nước và quốc tế gần đây dự báo tăng trưởng GDP quý II và của cả năm 2024 của Việt Nam sẽ thuộc nhóm "Quốc gia tăng trưởng nhanh nhất", qua đó, đóng góp cho tăng trưởng chung của khu vực châu Á. ADB, Standard Chartered, HSBC dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam khoảng 6%, thuộc nhóm 5 nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Ngân hàng HSBC đánh giá, các báo cáo cập nhật gần đây cho thấy nhiều dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm có giá trị gia tăng như bán dẫn… đang được đầu tư mới và mở rộng. Các đơn hàng điện, điện tử phục hồi, đáng ghi nhận ở Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều biến số về xuất khẩu cần phải chuẩn bị trong nửa cuối năm.

Hội đồng Chuyên gia, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, Việt Nam đang tham gia vào nhiều công đoạn quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, tiếp tục khẳng định là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn rộng hơn đó là nhờ vị thế của Việt Nam khi đã thiết lập quan hệ ngoại giao song phương và đa phương với nhiều quốc gia, khu vực.

IMF đánh giá Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% giai đoạn 2024 - 2029. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng tăng 2 bậc; Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng 8 bậc; Chỉ số hạnh phúc năm 2024 tăng 11 bậc…

Lê Nguyễn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN