Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài

Thứ Năm, 02/06/2022 18:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chiều 2/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

 Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu. Ảnh: TT

Cho ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (tỉnh Cà Mau) cho rằng trong năm qua, dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một giải pháp cơ bản tối ưu để ổn định tình hình kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân.

Đề cập về sự lãng phí nghiêm trọng trong các quy hoạch treo, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng nghìn hecta đất bỏ hoang, bỏ không do chưa triển khai được quy hoạch thì có hàng chục nghìn hộ gia đình không đất, phải ở tạm gầm cầu, ven sông, nơi không an toàn và luôn tiềm ẩn các rủi ro ngày đêm rình rập. Do đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, có giải pháp khắc phục hữu hiệu, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài dự án. Trong hoạch định cần bám sát thực tiễn và nhu cầu của xã hội, nguồn lực đáp ứng khả năng triển khai để có một quy hoạch phù hợp, khoa học, khả thi, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Về quy hoạch treo trong việc lập, triển khai kế hoạch và đầu tư công, đại biểu cho biết, hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, không khai thác, phát huy được tác dụng như dự án đường Hồ Chí Minh. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đoạn Rạch Sỏi và Gò Quao, Bình Thuận chưa được đầu tư. Trước tình hình đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận kiến nghị Chính phủ ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư các đoạn còn lại và duy tu mở rộng các tuyến trùng để sớm đưa cung đường này vào khai thác, chống lãng phí về nguồn lực đầu tư. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị các ngành, các cấp cần đánh giá lại hiệu quả của các công trình này, sớm có kế hoạch đầu tư khép kín từng khu vực, từng vùng để phát huy tối đa hiệu quả các công trình này.

Có giải pháp hiệu quả chống lãng phí trong sử dụng đất công

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng) cho rằng chính sách pháp luật đất đai hiện còn nhiều bất cập, trong đó có vấn đề về thị trường bất động sản, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền, đầu cơ đất đai không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích… gây lãng phí nguồn lực đất đai. Đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm giá thị trường khi quản lý về giao dịch quyền sử dụng đất nhằm chống thất thu và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể và hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng đất công.

Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị, để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài; phải cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch treo ở các địa phương, đặc biệt là các quỹ đất có liên quan đến an ninh quốc phòng nhiều năm bị lấn chiếm, không đưa vào sử dụng thì cương quyết thu hồi để giao cho địa phương phát triển kinh tế xã hội.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo, Luật Lâm nghiệp có hiệu lực năm 2017, nhưng chính sách về kinh tế lâm nghiệp chưa được quan tâm và phát triển tương xứng, nhất là đối với các địa phương quản lý diện tích đất rừng rất lớn nhưng chưa có nhiều chính sách để khuyến khích, hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng. Việc lãng phí tài nguyên rừng vẫn đã và đang diễn ra vô cùng phức tạp. Đến nay chưa có cơ chế, chính sách về kinh tế rừng tương ứng để bảo vệ môi trường rừng và sinh thái rừng. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách đặc biệt, hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để nâng cao năng lực cũng như tăng cường lực lượng bảo vệ rừng, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên rừng.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Tạo cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp nhằm phòng, chống tiêu cực, lãng phí trong công tác mua sắm tài sản công, đặc biệt trong mua sắm thiết bị y tế, giáo dục và dạy nghề…

 Phiên họp Quốc hội chiều 2/6. Ảnh: TT

Tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Tán thành các nội dung trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo của cơ quan thẩm tra và báo cáo tổng hợp ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội, đại biểu Lưu Bá Mạc (tỉnh Lạng Sơn) ghi nhận, trong năm qua, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã quan tâm, trách nhiệm và khoa học trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách đầy đủ, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm công khai, minh bạch các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhìn chung đã có những kết quả rất tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của các địa phương nói riêng.

Cho ý kiến về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xây dựng, hoàn thiện thể chế định mức tiêu chuẩn chế độ, đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ sự nghiệp công thuộc Danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Đại biểu cho biết, hiện nay, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh vẫn đang chờ và cũng chưa đủ căn cứ để tham mưu xây dựng và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Danh mục sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực để có cơ sở rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, trong tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập tại địa phương đang gặp khó khăn, nhất là việc xác định số lượng người làm việc tối thiểu.

Về cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức bộ máy biên chế, đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị Chính phủ có giải pháp phù hợp nhằm tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ đối với các nội dung triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đại biểu cho rằng giải pháp này cũng nhằm để đẩy mạnh cải cách hành chính gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT có giải pháp để đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào giảng dạy hoặc tích hợp vào tiết học một cách phù hợp trong các hoạt động trải nghiệm, chương trình ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục và đào tạo. Đại biểu nhấn mạnh, nội dung này cũng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho các đối tượng là các em học sinh, sinh viên và giải pháp này thì có thể góp phần xây dựng được văn hóa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xã hội trong tương lai.

Đề nghị Chính phủ có giải pháp nhằm phòng, chống tiêu cực, lãng phí trong công tác mua sắm tài sản công

Quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (tỉnh Đắk Nông) cho rằng, công tác quản lý tài sản công còn một số tồn tại, hạn chế, đó là nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, đơn vị về quản lý, sử dụng tài sản công chưa cao. Việc cập nhật, phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công chưa kịp thời quá trình thanh lý tài sản là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp để đầu tư xây dựng mới còn nhiều bất cập, nhất là đối với những tài sản có giá trị do quy trình thanh lý Chủ tịch UBND tỉnh mất nhiều thời gian, không kịp thời cho việc xử lý tài sản.

Liên quan đến việc mua sắm phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước, đại biểu cho rằng, hiện nay đây là nội dung đáng quan tâm, nhất là những sai phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua. Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nguyên nhân chủ quan, khách quan từ cơ chế, chính sách, pháp luật để có giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Đề cập về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai, đại biểu nhận thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này chưa được đồng bộ, còn nhiều vấn đề bất cập, phát sinh tiêu cực, lãng phí… Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tháo gỡ những nội dung vướng mắc về cơ chế, chính sách cho vấn đề này./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN