Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên

Thứ Hai, 19/08/2019 21:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nghị quyết Trung ương 7 khóa X "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá", Kết luận số 80/KL-TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 cho phù hợp.

Ngày 19/8, tại Hà Nội, Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên và Nhi đồng của Quốc Hội phối hợp với Bộ Nội vụ, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tình hình thực hiện Luật Thanh niên và những kiến nghị cho Luật Thanh niên (sửa đổi)”.

Báo cáo của Bộ Nội vụ, sau 13 năm triển khai thực hiện và tổng kết thi hành Luật Thanh niên cho thấy, việc ban hành Luật Thanh niên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và bất cập. Cụ thể, một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể; thiếu nguồn lực thực hiện Luật; chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa bóc tách và làm rõ được thông tin về thanh niên, nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương.

Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: Cẩm Linh

Bên cạnh đó, thiếu cơ chế điều phối trong việc thực hiện các chính sách quy định trong Luật, thiếu sự gắn kết hữu cơ giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách; tính pháp chế trong thi hành Luật còn hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tốt cũng không được đánh giá, ghi nhận và ngược lại không làm cũng không bị xử lý.

Mặt khác, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi so với thời điểm thông qua Luật năm 2005, hệ thống pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, tác động trực tiếp đến các chính sách dành cho thanh niên, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013.

Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7 khóa X "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá", Kết luận số 80/KL-TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 cho phù hợp, xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên, cơ chế phối hợp trong công tác thanh niên và vai trò của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới; đồng thời phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) sẽ giúp thể chế hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước; bảo đảm trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Hảo kiến nghị sửa đổi nội dung thanh niên tham gia quản lý nhà nước và phản biện xã hội: Thanh niên được giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia, của các cơ quan, tổ chức và cá nhân; chủ động phản ánh nguyện vọng, đề xuất sáng kiến, ý tưởng xây dựng và thực thi chính sách trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước. Tổ chức cá nhân có trách nhiệm giải đáp, phản hồi, tham vấn, ý kiến thanh niên trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.


Đại biểu nêu ý kiến tại Hội nghị - Ảnh: Cẩm Linh

Ông Nguyễn Thanh Hảo, Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương phân tích, dự thảo luật thanh niên (sửa đổi) lần này gồm 6 chương và 54 điều, có nhiều điểm mới so với Luật Thanh niên 2005, trong đó bổ sung quy định về Tháng Thanh niên; đối thoại thanh niên; về tham gia quản lý nhà nước và phản biện xã hội. Tuy nhiên dự thảo vẫn chỉ tiếp cận với chính sách của nhà nước "cho" thanh niên mà chưa đề cập đến việc thanh niên vừa là chủ thể (tham gia xây dựng, quản lý) vừa là đối tượng thụ hưởng của chính sách.

Ở góc độ chính sách của nhà nước dành cho thanh niên, Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Dũng, Viện nghiên cứu Thanh niên cho rằng, hầu hết các chính sách mà nhà nước dành cho thanh niên đã được quy định tại các văn bản chuyên ngành như Luật Giáo dục, Bộ Luật Lao động; Luật Việc làm, Luật khám chữa bệnh..

Các quy định về chính sách đối với thanh niên như dự thảo hiện nay sẽ có những hạn chế là một số chính sách của nhà nước dành cho thanh niên đã được các luật chuyên ngành khác quy định.

Ông Dũng ví dụ: chính sách cung cấp thông tin về thị trường lao động, vay vốn giảm nghèo đưa thanh niên đi làm việc ở nước ngoài, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong dự thảo đã được quy định trong Luật việc làm và các văn bản hướng dẫn; đồng thời đề xuất ban soạn thảo cân nhắc quy định nhóm chính sách của nhà nước dành cho thanh niên theo các hướng như: nguyên tắc của chính sách hoặc thực hiện chính sách; đảm bảo sự hỗ trợ thanh niên tiếp cận chính sách; đề xuất các chính sách cụ thể, các chính sách cho từng đối tượng thanh niên mà luật khác chưa quy định.

Trên cơ sở bài học kinh nghiệm từ pháp luật về thanh niên của một số quốc gia, Thạc sỹ Dũng kiến nghị xây dựng Luật thanh niên sửa đổi theo hướng tiếp cận phát triển thanh niên; xây dựng một cơ chế thực thi cụ thể trong Luật theo hướng xác định rõ thiết chế, nguồn lực và các biện pháp đảm bảo thực hiện; tập trung quy định, làm rõ các nhóm chính sách để đảm bảo sự phát triển của thanh niên bao gồm giáo dục, việc làm và cơ hội, sức khoẻ, sự tham gia đời sống chính trị, sự tham gia đời sống xã hội./.

Cẩm Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN