Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kiến nghị ba nhóm giải pháp tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã

Thứ Hai, 12/09/2022 17:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đoàn giám sát kiến nghị tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật về sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiện toàn, chuyển đổi bộ máy phù hợp với quy mô, tính chất của đơn vị hành chính mới thành lập...

Sáng ngày 12/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021".

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát (Ảnh: Phạm Thắng)

Tại báo cáo, Đoàn giám sát đã chỉ ra những kết quả nổi bật, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. 

Để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tiếp tục sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 - 2030, Đoàn giám sát đề xuất, kiến nghị 03 nhóm giải pháp.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác cán bộ

Nhóm giải pháp đầu tiên là tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục các bất cập trong công tác sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 – 2021.

Theo đó, Đoàn giám sát kiến nghị tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật về sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiện toàn, chuyển đổi bộ máy phù hợp với quy mô, tính chất của ĐVHC mới thành lập. Thực hiện nghiêm việc rà soát, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị có số lượng cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc cao hơn số lượng biên chế được giao để bố trí, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, phù hợp với tiêu chuẩn, chức danh, yêu cầu công việc. Rà soát, điều chỉnh phương án xử lý, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, để bảo đảm tốt hơn, thuận lợi hơn việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu cho người dân. 

Đề nghị Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư của các địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2019 - 2021 để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo UBTVQH trong quý II năm 2025, bảo đảm hoàn thành việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của UBTVQH.

Tiến hành rà soát các quy hoạch đã có; khẩn trương tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị ở các ĐVHC đô thị hình thành do sáp nhập với ĐVHC nông thôn và bố trí nguồn lực, kinh phí hợp lý cho công tác này. Thực hiện đồng thời việc lập hoặc điều chỉnh quy hoạch đô thị với chương trình phát triển đô thị, bảo đảm kết nối và phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh của địa phương. Quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư và có lộ trình, kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị phù hợp để trong thời hạn 05 năm kể từ khi thực hiện sắp xếp, các đô thị hình thành do sắp xếp ĐVHC đô thị với ĐVHC nông thôn phải được phân loại, đánh giá đạt tiêu chí, tiêu chuẩn của loại đô thị tương ứng theo quy định của pháp luật. Chỉ xem xét cho kéo dài thời hạn đánh giá, phân loại lại đô thị đối với những đơn vị đã có lộ trình thực hiện rõ ràng, khả thi và chưa thể hoàn thành việc hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn trong hạn định do những nguyên nhân, điều kiện khách quan, không thể khắc phục được, nhưng không quá 07 năm.

Đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có sắp xếp ĐVHC đô thị rà soát sơ bộ việc đáp ứng các tiêu chuẩn về phân loại đô thị của các ĐVHC đô thị được hình thành sau sắp xếp của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện sắp xếp ĐVHC nông thôn vào ĐVHC đô thị giai đoạn 2019 - 2021; tổng hợp, báo cáo Chính phủ để báo cáo UBTVQH trong quý IV năm 2024.

Đáng chú ý, Đoàn giám sát đề nghị khẩn trương rà soát danh sách các trụ sở của cơ quan, tổ chức ở các ĐVHC đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 mà đến nay vẫn chưa được bố trí sắp xếp, sử dụng hoặc thanh lý để xử lý.

Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan khác ở trung ương có cơ quan, đơn vị đóng tại địa phương, căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức, nhu cầu sử dụng công sở, khẩn trương rà soát, thực hiện phương án xử lý các trụ sở, nhà đất công thuộc thẩm quyền quản lý tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp mà nay không có nhu cầu sử dụng, hoàn thành trước ngày 01/01/2023. Hết thời hạn này mà chưa hoàn thành thì làm thủ tục chuyển giao các trụ sở này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trụ sở quản lý để thực hiện sắp xếp, quản lý, sử dụng theo nhu cầu của địa phương.

Đề nghị các địa phương chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp đáp ứng yêu cầu về địa điểm làm việc. Địa phương nào chưa tự cân đối được ngân sách thìkhông thực hiện việc cấp ngân sách để xây dựng mới trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở các ĐVHC hình thành trên cơ sở nhập 02 hoặc nhiều ĐVHC cho đến hết thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025...

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật

Đoàn giám sát kiến nghị nhóm giải pháp tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật phục vụ việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 – 2030.

Cụ thể, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển đô thị bền vững, sắp xếp ĐVHC, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, tạo cơ sở cho việc tiếp tục sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2022 - 2030.

Nghiên cứu, ban hành mới Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022 - 2030để làm cơ sở tiếp tục triển khai việcsắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn mới. Đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết để trình UBTVQH xem xét, thông qua trước ngày 31/12/2022.

Nghiên cứu, xây dựng các quy định, hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc xây dựng Quy hoạch tổng thể ĐVHC các cấp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nghiên cứu, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật khác có liên quan đến việc sắp xếp ĐVHC để có chính sách ưu đãi, khuyến khích phù hợp, cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương kiện toàn bộ máy, sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư, ổn định tình hình và bảo đảm đời sống cho Nhân dân. 

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp cần thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2030 để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về chế độ, chính sách đối với các ĐVHC và cán bộ, công chức, viên chức ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn; trường hợp cần có chính sách đặc thù, áp dụng có thời hạn phục vụ việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 - 2030 thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội thì khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 5 năm 2023.

Đề nghị các Bộ, ngành trung ương khi ban hành văn bản hoặc xây dựng chính sách mới để trình cấp có thẩm quyền ban hành, cần thực hiện rà soát, đánh giá về mức độ tác động, ảnh hưởng đối với các ĐVHC thực hiện sắp xếp để có quy định phù hợp; xem xét có biện pháp, giải pháp đặc thù, có quy định chuyển tiếp hoặc ngoại lệ áp dụng phù hợp đối với các ĐVHC vừa thực hiện sắp xếp.

Việc sắp xếp phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ 

Nhóm giải pháp thứ ba được Đoàn giám sát kiến nghị là về sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 – 2030.

Theo đó, để việc tổ chức sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai 2022 - 2030 đạt hiệu quả, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt cácquan điểm chỉ đạo, mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã; kế thừa những kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắcđã được chỉ ra và bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật đối với những vấn đề mới đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn kiểm nghiệm phù hợp để làm tốt hơn nữa việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 - 2030.

Việc sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2022-2030 cần xác định đối tượng, lộ trình thực hiện phù hợp, gắn với yêu cầu tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Việc sắp xếp phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch tổng thể ĐVHC các cấp, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Khuyến khích các địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã không thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp để mở rộng không gian phát triển, tăng quy mô của ĐVHC, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động./.

Minh Thư

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN