Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kiên Giang: Khởi sắc vùng nông thôn Vĩnh Phú

Thứ Năm, 18/02/2016 14:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Những ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, về lại vùng quê xã Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang, không khí Tết vẫn còn, bởi bà con vùng sâu này vừa trúng vụ lúa Đông Xuân và hoa màu.


Ảnh minh họa. (Nguồn: baodansinh.vn)

Vĩnh Phú là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống của huyện Giồng Riềng, với trên 4.300 hộ trong toàn xã, chiếm gần 62%. Lúc đầu mới được chia tách từ xã Vĩnh Thạnh (10/2005), Vĩnh Phú được xem là một trong những xã nghèo nhất của huyện Giồng Riềng (tỷ lệ hộ nghèo chiếm 38,29%). Nguyên nhân một phần không đất sản xuất, canh tác còn lạc hậu, một bộ phận người dân tộc vẫn còn mê tín dị đoan, nhất là đường giao thông nông thôn đi lại nối các các ấp chưa được đầu tư. Tuy nhiên, bằng những bước đi cụ thể, những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền xã Vĩnh Phú đã tập trung xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho bà con dân tộc ở địa phương, nhờ đó đời sống của bà con từng bước được cải thiện. 

Điều đáng ghi nhận ở xã thuần nông vùng sâu có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống là tất cả bà con đều hòa đồng cùng với người Kinh đón năm mới. Chị Danh Thị Hiền, ngụ ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Phú cho biết, đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn xã những năm qua cũng như năm 2016 đều cùng đón Tết với bà con người Kinh, bởi hiện nay, ruộng lúa làm được 2 - 3 vụ, cộng với trồng màu, chăn nuôi đã giúp bà con khấm khá lên. Do đó, ngoài đón Tết của đồng bào Khmer, hàng năm đến Tết người Kinh, đồng bào cũng hòa đồng cùng người Kinh đón Tết và cùng chia sẻ niềm vui bước sang năm mới làm ăn thuận lợi hơn. 

Theo ông Huỳnh Trung Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú, nhờ có chủ trương xây dựng nông thôn mới nên cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã ngày được khang trang hơn, kinh tế phát triển, đời sống của đại bộ phận bà con được nâng cao nên Tết cổ truyền dân tộc vừa qua ai cũng vui mừng, phấn khởi. Cùng với kết cấu hạ tầng nông thôn, những năm qua Đảng bộ, chính quyền xã Vĩnh Phú đã tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng thâm canh tăng năng suất, trong đó lấy chất lượng làm thước đo hiệu quả. Chủ trương của xã thành lập vùng đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, trồng xen canh theo khoa học kỹ thuật để nâng hiệu quả cao hơn trong cùng một diện tích. Đặc biệt, Vĩnh Phú đã vận động bà con xây dựng 4 cánh đồng mẫu lớn, thành lập được 31 tổ hợp tác và 4 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả theo hướng bền vững. 

Kinh tế phát triển, người dân tích cực tham gia đầu tư phát triển giao thông nông thôn, điện thắp sáng cho bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer cũng được quan tâm. Đến nay, Vĩnh Phú đã có trên 90% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, 95% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, hệ thống trường học, bệnh viện đã được đầu tư khang trang đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, học tập. Ông Danh Tài, ngụ ấp Huỳnh Tố, xã Vĩnh Phú cho biết, những năm qua nhờ Đảng, Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng, nhất là cầu, đường nông thôn đã giúp bà con đi lại thuận tiện. Qua đó, mở đường cho bà con nông dân đi lại giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, trao đổi hàng hóa đã góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. 

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên, nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Thu nhập bình quân đầu người nay đã nâng lên trên 30 triệu đồng/người/năm, trong đó bà con dân tộc Khmer ở đây đạt trên 27 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 7%, riêng trong đồng bào dân tộc Khmer còn trên 8%.../. 

Lê Sen/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN