Kiểm tra công tác chỉ đạo khắc phục bão số 3 tại tỉnh Yên Bái
(ĐCSVN) – Đánh giá cao tỉnh Yên Bái đã chủ động các phương án phòng chống bão số 3 (YAGI), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị tỉnh Yên Bái quan tâm ứng phó đối với hoàn lưu của bão, đồng thời có sự chủ động chuẩn bị ứng phó với các cơn bão tiếp theo.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra công tác ứng phó với thiên tai tại Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà (Ảnh: Mạnh Cường) |
Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại tỉnh Yên Bái. Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông; Văn phòng Chính phủ.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phú; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Yên Bình.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã báo cáo với Phó Thủ tướng công tác chỉ đạo khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ ngày 6 đến ngày 8/9.
Theo đó, tỉnh Yên Bái đã kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình, chủ động thực hiện theo kế hoạch và phương án đã duyệt ứng phó khi tình huống xảy ra. Chỉ đạo các, sở, ban, ngành; cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm "4 tại chỗ” đặc biệt, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn.
Về nhân lực, tỉnh Yên Bái đã huy động gần 62 nghìn người, gồm các lực lượng bộ đội, công an, dân quân dự bị, dự bị động viên… sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Về phương tiện đã huy động trên 2.100 ô tô, tàu xuồng, máy xúc các loại và các trang thiết bị khác phục vụ công tác phòng, chống bão lũ.
Về thiệt hại, đến thời điểm này, Yên Bái có 1 người bị thiệt hại do thiên tai. 439 nhà bị thiệt hại, trong đó có 1 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 1 nhà bị hư hỏng nặng, còn lại là nhà bị tốc mái. Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng trên 610 ha. Nhiều tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã bị sạt lở, ngập lụt gây ách tắc giao thông… Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai khoảng 15 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, tỉnh Yên Bái đã chủ động thăm hỏi hỗ trợ, động viên gia đình có người bị chết, người bị thương và mất nhà, tài sản. Đồng thời, tiếp tục rà soát, di dời các hộ dân ở những khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn; chỉ đạo chính quyền các huyện, thị xã, thành phố; các xã, thị trấn cùng với nhân dân khẩn trương tìm quỹ đất xây dựng nhà mới cho số hộ dân bị mất nhà cửa, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống...
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh Yên Bái xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở đất nhằm sắp xếp lại dân cư, di dời người dân trong vùng nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến định cư ở nơi an toàn và có phương án xây dựng các hạ tầng công trình phòng chống thiên tai thích hợp.
Quan tâm hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2025 cho tỉnh Yên Bái để thực hiện 4 dự án bố trí dân cư cấp bách, khẩn cấp ổn định đời sống cho các hộ dân sống và sản xuất trong vùng nguy hiểm, với tổng nhu cầu vốn đề nghị hỗ trợ là 113 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái (Ảnh: Mạnh Cường) |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Đây là cơn bão lớn, Chính phủ có sự chỉ đạo sát sao từ sớm. Phó Thủ tướng biểu dương tỉnh Yên Bái đã kịp thời chỉ đạo và triển khai chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ theo phương châm từ sớm, từ xa.
Phó Thủ tướng đánh giá cao tỉnh đã chủ động bố trí di dân nằm trong vùng có nguy cơ cao đến nơi an toàn; huy động tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của người dân trong công tác tuyên truyền đến tận cơ sở; triển khai các lực lượng rà soát tại các khu vực có nguy cơ cao để chủ động di dân và có các phương án xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ghi nhận, đánh giá tỉnh Yên Bái đã chủ động bố trí người, vật tư, phương tiện để tổ chức đảm bảo, khắc phục hệ thống giao thông; quan tâm chăm lo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; thực hiện tốt phương châm ‘4 tại chỗ”.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị tỉnh Yên Bái quan tâm ứng phó đối với hoàn lưu của bão, đồng thời có sự chủ động chuẩn bị ứng phó với các cơn bão tiếp theo.
Tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 3 và các tình huống thiên tai khác; xây dựng các phương khác nhau, đặc biệt là phương án ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét sau hoàn lưu bão.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục thống kê đầy đủ thiệt hại sau thiên tai và kịp thời động viên đối với các hộ bị thiệt hại và có phương án di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; xây dựng phương án bố trí dân cư cấp bách ra khỏi vùng nguy hiểm của thiên tai. Thực hiện tốt công tác đảm bảo đời sống cho người dân bị ảnh hưởng, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói do thiên tai; đảm bảo giao thông thông suốt.
Phó Thủ tướng nhất trí với các kiến nghị của tỉnh Yên Bái, đồng thời đề nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp với tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời.
Trước đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đi kiểm tra tình hình sạt lở tại tổ dân phố 2, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình; thăm chia sẻ động viên và tặng quà cho hai hộ gia đình ông Chu Văn Dự và ông Chu Minh Hải tại thị trấn Thác Bà. Phó Thủ tướng đã chia sẻ đối với các gia đình và yêu cầu tỉnh Yên Bái tiếp tục có sự quan tâm động viên, chia sẻ đối với gia đình có người bị mất.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã đi kiểm tra khu vực xả lũ của Thủy điện Thác Bà và các tổ máy của Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà. Phó Thủ tướng đánh giá, nhà máy đã thực hiện tốt các phương án phòng chống bão lũ, vừa đảm bảo an toàn chung, vừa phát điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.