Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước hơn 21.346 tỷ đồng

Thứ Ba, 02/07/2024 16:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Tổng hợp kết quả chính từ 248 báo cáo kiểm toán của 135 nhiệm vụ kiểm toán tổ chức trong năm 2023 đối với niên độ ngân sách năm 2022, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước 21.346,33 tỷ đồng, kiến nghị khác (chưa đủ thủ tục, chưa được quản lý, theo dõi, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các khoản ngoài ngân sách...) 28.595,09 tỷ đồng.

Đây là thông tin được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công khai tại Họp báo công bố Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2022 chiều 2/7.

Nhiều hạn chế trong công tác quản lý thu của cơ quan thuế

KTNN họp báo công bố công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán. 

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2022, ông Vũ Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cho biết, về thu NSNN, báo cáo của KTNN cho thấy, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu các loại thuế, phí lệ phí, các khoản thu khác… vẫn diễn ra tại các đơn vị được kiểm toán. KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 3.841 tỷ đồng. 

Ông Vũ Ngọc Tuấn chỉ ra, công tác quản lý thu của cơ quan thuế còn hạn chế. Cụ thể, một số cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế chưa đầy đủ; chưa kiểm tra đầy đủ các loại hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế lựa chọn kiểm tra tại cơ quan Thuế theo quy định; chưa phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử của các hộ, cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. 

Việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất vẫn còn tình trạng Đơn vị sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất; chưa thực hiện cho thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; còn trường hợp cho thuê đất để thực hiện các dự án đã hết thời hạn thuê đất nhưng chưa lập thủ tục để trình UBND tỉnh cho phép gia hạn sử dụng đất hoặc thu hồi đất theo quy định; chưa xử lý thu hồi đất thuê theo quy định đối với các trường hợp tổ chức cá nhân được nhà nước cho thuê đất đã bỏ địa chỉ kinh doanh nhiều năm; chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất; chậm chuyển thông tin xác định nghĩa vụ tài chính sang cơ quan thuế; xác định giá đất hoặc vị trí thửa đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa phù hợp với quy định..

Về quản lý nợ thuế, KTNN chỉ ra, tổng nợ thuế do cơ quan thuế quản lý (chưa bao gồm nợ dầu thô và nợ ngoài ngành thuế) đến ngày 31/12/2022 là 158.914,7 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021. Một số địa phương không đạt chỉ tiêu thu nợ do Tổng cục Thuế giao. Tại nhiều địa phương, cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế chưa đầy đủ, kịp thời đối với người nộp thuế; phân loại nợ chưa đúng quy định…

Nhiều dự án chậm tiến độ, có trường hợp chậm trên 10 năm

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn báo cáo.

Về chi ngân sách nhà nước, theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn, việc lập, thẩm định, giao kế hoạch vốn chậm so với quy định; chưa phân bổ ngay từ đầu năm, phân bổ nhiều lần trong năm; còn phân bổ vượt tổng mức đầu tư được duyệt, ngoài danh mục kế hoạch năm và vượt nhu cầu đăng ký của đơn vị, không đúng đối tượng; chưa phân bổ đủ vốn cho dự án chuyển tiếp, dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch theo thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14; bố trí kế hoạch vốn chưa sát thực tế, phải hủy kế hoạch vốn, phải điều chỉnh KHV; chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên, quá thời gian quy định…

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại một số bộ, cơ quan trung ương thấp dưới 50% kế hoạch vốn được giao; tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi chỉ đạt 47%. Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài chính, khoản giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trước năm 2019 chưa được ghi thu, ghi chi còn lớn 4.445,534 tỷ đồng, qua kết quả kiểm toán còn chênh lệch so với số báo cáo của Bộ Tài chính là 3.268,346 tỷ đồng. 

Kết quả kiểm toán dự án thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty cho thấy, một số dự án không phát sinh giải ngân hoặc chậm giải ngân theo kế hoạch; hoàn thành nhưng chưa được nghiệm thu, chậm quyết toán; một số dự án chậm tiến độ, dừng, tạm dừng thi công còn tồn đọng chi phí dở dang lớn, chưa được xử lý dứt điểm…

Kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư cho thấy có nhiều tồn tại. Đáng chú ý, "còn nhiều dự án chậm tiến độ, đặc biệt có trường hợp chậm trên 10 năm. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng của dịch COVID-19, không cân đối, bố trí đủ vốn, thay đổi điều chỉnh thiết kế, khan hiếm nguồn vật liệu; việc huy động máy móc thiết bị chưa đảm bảo" - ông Vũ Ngọc Tuấn báo cáo.

Bên cạnh đó, tạm ứng chưa đúng quy định; chưa thu hồi tạm ứng quá hạn, đặc biệt một số dự án quá hạn trên 10 năm; nghiệm thu thanh toán các thiết bị khi chưa lắp đặt, chưa đảm bảo điều kiện, chưa đúng theo hợp đồng; thanh toán khối lượng phát sinh chưa phù hợp; bù giá thiếu cơ sở, chưa đúng quy định…

Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Trong đó, tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước của KTNN đối với niên độ ngân sách 2022 là 21.344,49 tỷ đồng, kiến nghị khác (chưa đủ thủ tục, chưa được quản lý, theo dõi, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các khoản ngoài ngân sách...) 28.586,29 tỷ đồng. Đồng thời, rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản gồm 01 Luật; 08 Nghị định; 05 Quyết định Thủ tướng Chính phủ; 27 Thông tư và 157 văn bản khác. Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2023.

Chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra

Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung phát biểu tại họp báo. 

Tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về số vụ việc đã được KTNN chuyển sang cơ quan điều tra cũng như việc phối hợp xử lý, Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung khẳng định, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN chủ yếu tập trung ở khía cạnh phòng ngừa và phát hiện các sai phạm, kiến nghị xử lý tăng thu - giảm chi NSNN cũng như kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách và chấn chỉnh trong công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản công. Nếu thông qua kết quả kiểm toán, KTNN phát hiện ra có những vấn đề liên quan đến dấu hiệu tội phạm thì KTNN sẽ kiến nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra để điều tra, làm rõ, xem xét, xử lý theo quy định.

Qua hoạt động kiểm toán, hàng năm, KTNN đã cung cấp hàng trăm báo cáo kiểm toán cho Quốc hội, cho Ủy ban kiểm tra, cho các cơ quan điều tra để xem xét, xử lý và phục vụ cho công tác điều tra, kiểm tra và giám sát.

“Trong thời gian vừa qua, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp, trong 40 vụ việc này, KTNN đã nhận được sự phối hợp rất tích cực của các cơ quan điều tra, các cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, trong 40 vụ việc, đến nay, các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc, trong đó có 14 vụ việc đã khởi tố để điều tra, xử lý và 21 vụ việc đang có ý kiến chờ kết quả giám định. Có những nội dung cũng cần tiếp tục xác minh trong thời gian tới và có một số nội dung trong một số vụ việc không khởi tố vụ án vì các sai phạm đến nay đã được xử lý”, Phó Tổng KTNN cho biết.

Bà Hà Thị Mỹ Dung cũng khẳng định, trong quá trình phối hợp của KTNN với các cơ quan để điều tra về các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật, KTNN không gặp khó khăn gì, nhận được sự phối hợp tích cực, kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan điều tra. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm ngay các vụ việc là rất khó, vì thực tế có những vụ việc cần có thời gian để điều tra, xác minh. Do đó, để bảo vệ quyền lợi cho các bên việc xử lý các vụ việc chưa thể dứt điểm được. Thời gian tới, KTNN sẽ có các văn bản để công tác phối hợp được chặt chẽ hơn nữa.

Ngoài ra, Phó Tổng KTNN cho biết, năm 2023, KTNN đã ban hành quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Đây là tài liệu rất quan trọng đối với KTNN, để khi trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên phát hiện ra có những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng hay dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ có quy trình kiểm toán riêng./.

Kim Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN