Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kiểm toán nhà nước giúp các địa phương sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước

Thứ Hai, 13/05/2024 16:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) là nhiệm vụ quan trọng hàng năm mà Kiểm toán nhà nước (KTNN) thực hiện. Việc kiểm toán NSĐP không chỉ giúp chính quyền địa phương các cấp tăng cường, hoàn thiện công tác quản lý ngân sách mà còn giúp cho các cơ quan trung ương nắm bắt được thực trạng quản lý ngân sách tại các địa phương để hoàn thiện cơ chế quản lý ngân sách....

Kiến nghị kiểm toán là căn cứ để phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách địa phương

Trong những năm qua, việc quản lý, điều hành theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 và các văn bản hướng dẫn  Luật đã tạo được sự chuyển biến quan trọng và ngày càng chủ động, hiệu quả hơn, việc công khai ngân sách cũng được đẩy mạnh, từng bước nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính trong quản lý NSNN. Tuy nhiên, quá trình quản lý, điều hành NSNN của các địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng kinh phí, về cơ chế chính sách cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn (đứng giữa) và lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam ký Quy chế phối hợp công tác (Ảnh: KTNN) 

Với đặc thù nội dung kiểm toán liên quan đến việc quản lý, điều hành ngân sách của các tỉnh, thành phố với 03 cấp ngân sách (tỉnh, huyện, xã) và mang tính thường xuyên, trong 30 năm qua, lĩnh vực kiểm toán NSĐP đã có nhiều phát hiện, đóng góp cho kết quả chung của toàn ngành. Bên cạnh các kiến nghị tăng thu, giảm chi cho ngân sách, KTNN cũng có nhiều kiến nghị nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách tại các địa phương, bịt lỗ hổng trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Đồng thời, các kiến nghị kiểm toán cũng tạo điệu kiện tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong việc thực thi pháp luật, góp phần quá trình phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương trong nhiều năm qua. Kết quả kiểm toán cũng giúp các địa phương có cái nhìn toàn diện và đúng đắn hơn về thực trạng tài chính, chất lượng công tác quản lý, điều hành NSNN, kịp thời phòng ngừa, pháp hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý NSNN, góp phần tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, KTNN có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, kiểm soát về tài chính, tài sản công, tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình và thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các kết luận, kiến nghị kiểm toán góp phần không nhỏ vào việc sửa đổi, bổ sung kịp thời cơ chế, chính sách, đảm bảo các quy định của Nhà nước phù hợp với thực tiễn.

Thông qua các cuộc kiểm toán, KTNN đã phối hợp, hỗ trợ, tư vấn cho Thành phố Hà Nội nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và quản lý tài chính, ngân sách nói riêng, giúp Thành phố hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Trung ương giao. Đặc biệt, các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã giúp Hà Nội nhận diện những vấn đề còn hạn chế, có sai sót, cung cấp thông tin tin cậy, chính xác và có tính pháp lý để Thành phố có sơ sở quyết nghị những vấn đề, chủ trương, chính sách lớn, chấn chỉnh những hoạt động còn vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã hỗ trợ tỉnh hoàn thiện công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công. Trên cơ sở kiến nghị của KTNN, HĐND tỉnh tiến hành rà soát các kết luận giám sát có liên quan; điều chỉnh, bãi bỏ các cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực tài chính ngân sách do địa phương ban hành chưa phù hợp với quy định pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, thẩm tra, phê chuẩn dự toán và quyết toán, điều hành NSĐP hàng năm.

Hoạt động kiểm toán trên các lĩnh vực góp phần xác định những hạn chế trong hoạt động quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh. Từ đó, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo đúng quy định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng đánh giá.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chia sẻ, trên cơ sở các kiến nghị của KTNN, địa phương đã có những chỉ đạo rất quyết liệt để chủ động tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả, bởi đây không chỉ là quy định mang tính pháp luật mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chấn chỉnh và khắc phục các hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, nhất là đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành ngân sách

Hàng năm, KTNN đều gửi báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố, người đứng đầu đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan để tăng cường phối hợp trong công tác lập kế hoạch, triển khai kiểm toán và đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đặc biệt, trong các năm 2023-2024, KTNN đã thực hiện sơ kết và triển khai ký Quy chế phối hợp công tác/thỏa thuận hợp tác hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Qua đó, sự phối hợp giữa KTNN với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương, đơn vị được kiểm toán trong hoạt động kiểm toán ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố quy định sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN và tổ chức các hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành NSĐP theo quy định của pháp luật; giám sát hoạt động Đoàn kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước. Ngoài ra, các đơn vị phối hợp trong công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định. 

KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố thống nhất trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử phục vụ hoạt động kiểm toán, hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý, điều hành NSĐP và kết quả hoạt động kiểm toán. Đồng thời, phối hợp tổ chức các cuộc toạ đàm, hội thảo, tập huấn; tổ chức giao ban định kỳ hàng năm giữa KTNN với HĐND, UBND tỉnh, thành phố. 

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, KTNN sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nguồn lực công, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở địa phương, phát triển kinh tế bền vững.

Theo UBND Thành phố Hà Nội, bên cạnh việc đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN còn phối hợp cùng Thành phố hoàn thiện cơ chế chính sách, thường xuyên cử cán bộ tham gia ý kiến về những vấn đề đặc thù của Thành phố khi thảo luận dự toán ngân sách hằng năm với Bộ Tài chính. Đồng thời, KTNN kiến nghị với Thành phố và các cơ quan Trung ương sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách không còn phù hợp với thực tế địa phương, xây dựng các cơ chế, chính sách tài chính đặc thù cho Hà Nội như: Kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 về việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội; Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi…

KTNN cũng đồng hành, phối hợp và hỗ trợ Hà Nội thực hiện những nội dung với nhiệm vụ mới, khó, còn vướng mắc, những mảng vấn đề nổi cộm chưa có trong thực tiễn trước đây, làm cơ sở để Thành phố triển khai thực hiện, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, như: Kiểm toán dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành nhà máy nước mặt Sông Đuống; Kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố Hà Nội…

Để tăng cường việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành ngân sách cho các địa phương, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất KTNN đẩy mạnh thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề đối với những nhiệm vụ mới, những dự án liên quan đến đời sống dân sinh (như cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường, vận tải hành khách công cộng…) làm cơ sở để Thành phố triển khai thực hiện, đảm bảo chặt chẽ đúng quy định của pháp luật. KTNN cũng tạo điều kiện chia sẽ dữ liệu số, cung cấp thông tin số liệu để hỗ trợ Thành phố Hà Nội cải cách hành chính, hiện đại hoá, chuyển đổi số trong quản trị, điều hành hoạt động bộ máy hành chính.

Ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị: KTNN tham gia ý kiến với HĐND Thành phố trong việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách trước khi được Thường trực HĐND, UBND đề nghị; kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách do Thành phố ban hành nhưng không còn phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan. Đồng thời phối hợp với Thường trực HĐND Thành phố kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách không còn phù hợp với thực tế của Thành phố Hồ Chí Minh. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho rằng, KTNN cần tham gia ý kiến với HĐND, UBND tỉnh trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách trên địa bàn. Đồng thời, KTNN chia sẻ với địa phương các bài học kinh nghiệm quản lý, điều hành ngân sách hiệu quả của các địa phương khác; phối hợp bồi dưỡng, tập huấn, kết hợp việc tuyên truyền phổ biến về Luật KTNN, quy trình, quy chế hoạt động của Đoàn kiểm toán nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN.

Phối hợp thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán

Trong 30 xây dựng và phát triển, KTNN luôn nỗ lực và không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng kiểm toán, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về thông tin phục vụ hoạt động giám sát, hoàn thiện pháp luật và phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội và HĐND các cấp. Kết quả kiểm toán của KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các địa phương và đơn vị được kiểm toán. Từ đó, KTNN đã đưa ra các kiến nghị giúp các địa phương chấn chỉnh công tác quản lý tài chính - ngân sách, kế toán, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, thất thoát tiền, tài sản nhà nước.

Cùng với đó, để tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các cơ quan, đơn vị, KTNN đã tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Kết quả kiểm toán của KTNN đã được các địa phương, đơn vị được kiểm toán, đơn vị có liên quan phối hợp triển khai theo dõi và thực hiện kịp thời. Trong khoảng 5 năm gần đây, bình quân kết quả thực hiện kiến nghị tài chính của các đơn vị đạt trên 90%. Việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN cũng được quan tâm và thực hiện định kỳ, có định hướng đã tạo được dư luận tốt, góp phần quan trọng trong việc cung cấp các thông tin giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí.

Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đánh giá, thời gian qua, các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với tỉnh Bình Định rất xác đáng, giúp địa phương thực hiện tốt và kịp thời chấn chỉnh việc phân bổ, giao dự toán, điều hành ngân sách, từng bước hạn chế bất cập trong điều hành NSĐP. Đồng thời, tỉnh Bình Định thực hiện đầy đủ kiến nghị của KTNN với tỷ lệ cao, năm 2020 thực hiện được 98% và 2021 thực hiện được 96% kiến nghị kiểm toán.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn (ngồi giữa) và lãnh đạo HĐND, UBND TP. Đà Nẵng ký Quy chế phối hợp công tác (Ảnh: KTNN) 

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Thành ủy đã đưa việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN thành một nội dung để Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Thành ủy theo dõi, chỉ đạo định kỳ. Kết quả việc thực hiện kiến nghị kiểm toán phải báo cáo hàng quý trước Ban Thường vụ Thành ủy.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới, công tác phối hợp giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung vào việc xây dựng và thông qua dự toán ngân sách hàng năm sát và đúng; Xây dựng kế hoạch kiểm toán với phương châm “gọn nhưng chất”, nâng cao chất lượng kiểm toán, hướng tới mục tiêu kiểm toán 100% báo cáo quyết toán. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường phối hợp với KTNN trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

KTNN sẽ ban hành hướng dẫn các đơn vị trong Ngành đưa ra các kết luận, kiến nghị phù hợp đối với những tình huống đặc biệt; đồng thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện tốt kết luận, kiến nghị kiểm toán. KTNN và các địa phương cần phối hợp trong việc xử lý các tin báo, đơn thư khiếu nại về trường hợp tham nhũng - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết./.

MT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN