Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng giá cả tăng theo lương

Thứ Ba, 25/06/2024 20:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Cùng với việc tăng lương cơ sở, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát khác; tránh tình trạng "lương tăng, giá cũng tăng".

Chiều 25/6, Quốc hội thảo luận tại tổ Báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

 Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) phát biểu thảo luận

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quan điểm cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.

Về thực hiện tăng lương từ ngày 01/7/2024, các đại biểu cho rằng nội dung đề xuất của Chính phủ trong việc thực hiện tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 01/7/2024 đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 83-KL/TW. Theo đó, thực hiện đầy đủ 02 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp; thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công.

Về thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, nhiều đại biểu nhấn mạnh đây là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc. 

Tuy nhiên, cùng với việc tăng lương cơ sở, các đại biểu lo ngại nguy cơ lạm phát tăng cao làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương. Từ đó kiến nghị Chính phủ phải có các biện pháp triển khai đồng bộ, tích cực quyết liệt để kiểm soát lạm phát.

Phát biểu ý kiến, đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) cho rằng, khi được Quốc hội thông qua thì Chính phủ cần có những giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực, đặc biệt tránh tối đa tình trạng "tăng lương nhưng đồng thời cũng tăng giá" làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương.

Chính phủ cần xem xét, đánh giá một số tác động ảnh hưởng đến yếu tố giá và lạm phát, bởi khi tăng tiền lương có nghĩa sẽ làm tăng chi tiêu công, hoặc cũng có thể làm tăng nhu cầu chi tiêu, tiêu dùng. “Trong bối cảnh hiện nay bao giờ cũng có những tác động nhất định đến quan hệ cung - cầu và làm tăng giá", đại biểu Lê Minh Nam nói.

Theo đại biểu, cần xem xét các yếu tố tác động đến giá cả các mặt hàng chiến lược, kể cả từ bên trong và bên ngoài. Bởi, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn, thì những yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế trong nước, đặc biệt khi phải nhập nhiều nguồn nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh trong nước. Vì vậy, cần có những chính sách để hỗ trợ, kiểm soát nhằm hạn chế tác động của giá trên thế giới đến thị trường trong nước.

Mặt khác, đại biểu cho rằng, trong bối cảnh giá của đồng USD tăng cao khiến doanh nghiệp khi nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất trong nước cũng tăng cao, dẫn đến tác động tăng chi phí, giá thành và tạo áp lực tăng giá đối với sản phẩm nội địa. Vì vậy, cũng cần quan tâm đến việc thực hiện các chính sách để kiểm soát các mặt hàng này. 

Ngoài ra, cần bảo đảm nguồn cung hàng hóa, dịch vụ để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Cùng với đó, tăng cường các giải pháp trong quá trình kiểm tra việc thực hiện quy định của Luật về giá như: kê khai giá, đăng khai giá, công khai, minh bạch thông tin về giá để tránh tình trạng đầu cơ trục lợi…  tác động đến yếu tố giá.

“Nếu mặt hàng nào không thể can thiệp bằng các công cụ pháp luật về giá mà phải vận hành theo cơ chế thị trường, thì cũng cần có những chính sách hỗ trợ để điều chỉnh giảm giá bán các mặt hàng này, đặc biệt trong thời điểm tăng lương”, đại biểu đề nghị.

Về dài hạn, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị, cần thực hiện tốt các chính sách về tài khóa, tiền tệ nhằm kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. 

Đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) cũng đề nghị, khi điều chỉnh tăng mức lương cơ bản, lương hưu và trợ cấp thì cần chú ý kiểm soát giá các mặt hàng trên thị trường, tránh lập lại tình trạng “lương tăng thì giá tăng”, cuối cùng là lương tăng không được bao nhiêu, làm giảm hiệu quả của việc điều chỉnh mức lương cơ sở.

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng đề nghị lưu ý thực hiện các giải pháp để kiềm chế lạm phát.  “Từ đầu năm đến giờ Chính phủ rất tích cực trong chỉ đạo tăng cường kiểm soát giá cả, ổn định thị trường. Mong rằng tinh thần này sẽ tiếp tục được quán triệt và triển khai có hiệu quả” - đại biểu nói .

Về nội dung này, khi phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ “băn khoăn của các đại biểu là hợp lý”. Đồng thời cũng nêu rõ vừa qua Chính phủ đã lên các kịch bản chi tiết và ban hành Nghị quyết 93/NQ-CP để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiềm chế lạm phát đồng thời đảm bảo kinh tế vĩ mô. 

“Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính xây dựng kịch bản mang tính chủ động từ rất sớm, có nhiệm vụ cụ thể giao cho các bộ ngành, địa phương để cố gắng kiểm soát tốt lạm phát để đảm bảo giá trị khi thực hiện tăng lương cho tất cả các đối tượng có liên quan" - Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Minh Thư

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN