Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kỉ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Cát Bà, Cát Hải (Hải Phòng)

Thứ Bảy, 30/03/2019 22:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cách đây 60 năm, ngày 31/3/1959, Bác Hồ đã về thăm cán bộ, nhân dân 2 huyện đảo Cát Hải, Cát Bà, đặt dấu ấn mới cho ngành nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản hiện đại của Việt Nam.

Cát Hải khắc ghi lời Bác                               

 

Bác Hồ nói chuyện với nhân dân đảo Cát Bà (31/3/1959) 
 (Ảnh tư liệu Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh)


Huyện Cát Hải (Hải Phòng) được thành lập năm 1977 trên cơ sở hợp nhất 2 huyện Cát Hải, Cát Bà. Cát Hải được coi là khu vực phòng thủ về quốc phòng – an ninh và là cửa ngõ ra vào của khu vực phía Đông Bắc. Đây còn là khu du lịch có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với sự phát triển du lịch của Hải Phòng mà còn đối với sự phát triển du lịch của vùng duyên hải Bắc Bộ. Huyện đảo là nơi có nhiều tiềm năng về du lịch, thủy sản, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng. Sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi: ..."Một vùng núi non dựng lên như ngọc, cá tôm nhiều như đất, dân đua nhau thu lượm”.

Với tiềm năng thiên nhiên về rừng, biển phong phú, Cát Hải có những điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế du lịch – dịch vụ, thuỷ sản, lâm nghiệp.

Ông Phạm Quang Hiển – Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết: Cách đây 60 năm, ngày 31/3/1959, trong chuyến thăm đảo Cát Bà và Cát Hải, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian tiếp xúc, gặp gỡ với nhân dân huyện đảo. Người căn dặn: Rừng là vàng, biển là bạc, rừng biển của ta do nhân dân ta làm chủ, phải ra sức khai thác, bảo vệ, phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong suốt 60 năm qua, mặc dù đã trải qua những cam go khốc liệt của chiến tranh, song Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Cát Hải đã không ngừng khắc phục khó khăn, kiên cường, quả cảm bảo vệ đảo, đồng thời từng bước xây dựng quê hương theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.

Phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc

Ngược dòng thời gian trở lại những năm kháng chiến chống Pháp, huyện Cát Hải, Cát Bà minh chứng tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của các lực lượng vũ trang và nhân dân trên đảo, tổ chức khởi nghĩa vũ trang chống thực dân xâm lược theo đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối tháng 11/1947, Đảng bộ huyện được thành lập đã kịp thời đảm nhận sứ mạng lịch sử giao phó lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa với những trận đánh đi vào lịch sử như Đá Phèng, Đồng Tép, Khoăn Cao… huy động sức người, sức của cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương.

Trong kháng chiến chống Mỹ, quân dân Cát Hải đã tham gia gần 600 trận lớn nhỏ. Tại huyện đảo, tàu chiến Mỹ bị bắn cháy, máy bay Mỹ đã bị bắn rơi, giặc lái Mỹ đã bị bắt sống. Những chiến công của quân dân huyện đảo được gắn liền với nhiều tên tuổi của những người con đã anh dũng hy sinh thân mình vì nền độc lập, tự do của quê hương, đất nước như: Ngô Xuân Tòng đã lấy thân mình làm giá súng để đồng đội tiêu diệt máy bay địch, Đoàn Hải Sầm cùng đồng đội bắt sống tên giặc lái Mỹ đầu tiên ở Hải Phòng, như Vũ Bá Phiệt kiên cường bám giữ trận địa trên núi cao…

Trong 2 cuộc kháng chiến, Cát Hải, Cát Bà đã có trên 1.971 thanh niên ra trận, có 368 người đã anh dũng hy sinh và 160 người đã để lại một phần xương máu của mình ngoài chiến trường vì độc lập, tự do của quê hương, đất nước. Với những chiến công ấy, Đảng và Nhà nước đã tặng cho Nhân dân huyện đảo 1.914 Huân chương, Huy chương các loại; 24 bà mẹ đã vinh dự được nhận danh hiệu cao quý - Mẹ Việt Nam anh hùng; 1.023 gia đình được Hội đồng Chính phủ tặng “Bảng vàng danh dự” và “Bảng gia đình vẻ vang”. Những tên tuổi của anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Đoàn Đức Thái, anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Thanh Loan, liệt sĩ Bùi Văn Quang, liệt sĩ Hoàng Văn Hạnh, liệt sĩ Phạm Xuân Ba, Đoàn Hải Sầm... đã góp phần tô đậm thêm truyền thống “Hà Sen anh dũng - Đôn Lương kiên cường” . Ghi nhận những đóng góp to lớn ấy, năm 1998 Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân huyện đảo, năm 2009 tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền.

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, Cát Hải được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và thành phố, bằng trí tuệ và sự năng động, với tinh thần đoàn kết và sự sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn huyện đảo vẫn phát huy truyền thống đoàn kết xây dựng huyện đảo ngày càng giàu mạnh.

Trải qua 60 năm làm theo lời Bác dạy, huyện đảo Cát Hải đã từng ngày thay da đổi thịt. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo đã ra sức khắc phục khó khăn, xây dựng và bảo vệ quê hương, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có từ rừng vàng, biển bạc để làm giàu bằng phát triển nghề đánh bắt cá, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, phát triển du lịch và dịch vụ, lấy đó làm những ngành nghề mũi nhọn của huyện đảo. Từ một làng cá xa xôi, nghèo nàn, lạc hậu, Cát Hải đã trở thành trung tâm du lịch – dịch vụ, cảng biển của khu vực và cả nước.

Nhìn vào cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ tại huyện đảo Cát Hải cho thấy rõ tốc độ phát triển ở đây có những bước đột phá vượt trội. Từ chỗ nước sạch, điện lưới không có, giao thông đi lại khó khăn, người dân trên đảo phải mất hàng ngày đi tàu, thuyền mới vào được đất liền, thì hôm nay con đường xuyên đảo trải dài và cầu Đình Vũ – Cát Hải (con đường mơ ước ngàn đời của người dân) đã được xây dựng nối liền hải đảo với đất liền. Năm 1998 điện lưới quốc gia đã vượt biển ra tận huyện đảo đảm bảo 100% hộ gia đình được sử dụng điện. Hệ thống giao thông thuỷ bộ có nhiều phương tiện hiện đại phục vụ cho việc ra vào đất liền thuận lợi. Đến nay, 92% hộ dân trong huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh. Nhân dân đảo Cát Hải từ chỗ chỉ sống bằng nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản và làm muối, kinh tế khó khăn thì hôm nay diện mạo mới cho hòn đảo này là Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng và một nhà máy mang thương hiệu ô tô Việt Nam đầu tiên đã hiện hữu, tạo việc làm ổn định cho nhiều con em người địa phương đồng thời trở thành động lực quan trọng cho Hải Phòng phát triển.

Cát Bà trên đường hội nhập và phát triển (Ảnh: Hoàng Tản)

Tại đảo Cát Bà, thế mạnh du lịch – dịch vụ và thủy sản đã được phát huy. Năm 2004 quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, năm 2013 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, năm 2014 Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà lọt vào Top 5 Khu dự trữ sinh quyển Việt Nam nổi tiếng thu hút khách. Đến nay, trên đảo Cát Bà có trên 200 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch. Trên đảo đã có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn đầu tư vào phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao như Tập đoàn Sungroup và Flamingo, Công ty Trường Bình Minh đã góp phần làm cho du lịch Cát Bà ngày càng khẳng định được thương hiệu du lịch “Cát Bà xanh” – điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Có thể khẳng định, 60 năm qua lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành khẩu hiệu hành động để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện đảo phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Ông Phạm Quang Hiển – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những năm qua, tình hình kinh tế của huyện Cát Hải tiếp tục phát triển theo hướng bền vững; các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch năm. Riêng trong năm 2018 tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế toàn huyện ước đạt 104% kế hoạch,  trong đó nhóm ngành du lịch dịch vụ đạt 104%, nhóm ngành công nghiệp xây dựng đạt 103%, nhóm ngành nông lâm thủy sản đạt 104%. Tổng lượng khách du lịch đến huyện đảo năm 2018 đạt 2.550.000 lượt. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 8.100 tấn. Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện còn 1,24%, Cát Hải là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất thành phố Hải Phòng. Thu nhập của người dân ngày một tăng cao, nhất là ở các xã nông nghiệp thu nhập bình quân đầu người đạt từ 29 đến 32 triệu đồng/năm.

Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Hiện nay 6/6 xã trên đảo Cát Bà đạt xã nông thôn mới. Huyện Cát Hải đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành phố công nhận huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đăng ký xây dựng 2 thôn nông thôn mới kiểu mẫu tại Trân Châu, Xuân Đám. Toàn huyện có 28/58 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao; 100% xã, thị trấn có nhà văn hóa được trang bị đầy đủ âm thanh, ánh sáng, quy mô hội trường đạt 150 ghế ngồi. Trong năm 2018, qua bình xét đánh giá toàn huyện có 79% làng, tổ dân phố đạt và giữ vững danh hiệu làng, tổ dân phố văn hóa, 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, 89,9% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Công tác giáo dục, đào tạo được quan tâm. Năm 2018 huyện tiếp tục duy trì đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 1/12 xã, thị trấn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 11/12 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; 100% xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng, có 18 trường đạt chất lượng kiểm định giáo dục mức độ cao nhất, 9 trường đạt chuẩn quốc gia. Lĩnh vực y tế được đầu tư, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, 100% trạm y tế cơ sở đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Bên cạnh sự phát triển nhanh, mạnh về kinh tế - xã hội, công tác quân sự, quốc phòng địa phương và an ninh trật tự luôn được đảm bảo an toàn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến nay Đảng bộ huyện có 54 chi, đảng bộ với trên 2.600 đảng viên. Qua đánh giá phân loại, năm 2018 toàn Đảng bộ có 11 chi, Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không có chi, đảng bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Số đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 10,4%, Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ là 64,8%, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ  là 24,3%.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn khắc ghi trong lòng những người dân Cát Hải. Đảng bộ, quân và dân huyện đảo, luôn đoàn kết nhất trí, nêu cao tinh thần “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, khai thác mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, phấn đấu xây dựng huyện đảo Cát Hải thành trung tâm Du lịch - Dịch vụ cảng biển -Thủy sản” hiện đại, văn minh”.

Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Hải, Cát Bà (31/3/1959 – 31/3/2019), ngày truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam và khai mạc Du lịch Cát Bà năm 2019 là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cát Hải thêm tự hào và kính dâng lên Bác thành tựu vẻ vang sau 60 năm thực hiện lời Bác dạy khi Người về thăm. Đây cũng là dịp biểu dương sức mạnh của truyền thống, sức mạnh của sự đoàn kết, trí tuệ và sự năng động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cát Hải trên con đuờng xây dựng và bảo vệ quê huơng./.

Hoàng Tản

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN