Khuyến nghị liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
(ĐCSVN) - Ngày 30/9, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2024 với chủ đề “Khuyến nghị liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu Việt Nam”, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long.
Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. |
Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước/khu vực có hiệu lực, Việt Nam đang trở thành một nền kinh tế có độ mở cao và ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế. Nhiều ngành sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh thời gian gần đây.
Cụ thể, tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài những lợi thế đặc thù của quốc gia đang phát triển, như giá nhân công rẻ, giá thành sản xuất thấp, thì việc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế càng khiến hàng hóa Việt Nam có sức cạnh tranh lớn đối với ngành sản xuất trong nước của nhiều quốc gia nhập khẩu.
Do vậy, để hạn chế thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước của mình, nhiều quốc gia đang ngày càng tích cực hơn trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và tự vệ lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Điều này khiến số lượng vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng.
Tính đến hết năm 2011, số lượng vụ việc nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ dừng ở con số 54 vụ việc. Nhưng, kể từ đó đến nay, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đã tăng thêm 207 vụ việc. Trong tổng số 261 vụ việc mà Việt Nam phải đối mặt tới nay, có 142 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 38 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, 28 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 53 vụ việc điều tra tự vệ.
Năm 2020 là năm Cục Phòng vệ thương mại phải xử lý nhiều vụ việc phòng vệ thương mại nhất, với 39 vụ việc. Còn tính đến đầu năm tới nay, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang xử lý 14 vụ việc mới phát sinh.
Trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam trước mỗi vụ việc phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, kết quả kháng kiện phụ thuộc rất lớn vào chất lượng phối hợp giữa các bên liên quan. Trong đó, vai trò của các cơ quan thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài là vô cùng quan trọng.
Cụ thể, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò nắm bắt thông tin các giai đoạn, diễn biến, kết quả của vụ việc và kịp thời thông báo về nước nhà. Trong nhiều vụ việc, ngay khi nhận được thông tin về việc cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ hợp lệ từ phía các doanh nghiệp trong nước, Thương vụ Việt Nam đã gửi thông tin cho Chính phủ Việt Nam, thông báo về khả năng nước bạn sẽ tiến hành điều tra đối với mặt hàng này. Nhờ cảnh báo sớm từ Thương vụ, Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp có liên quan tới vụ việc đã có thêm thời gian lên phương án kháng kiện khi vụ việc xảy ra.
Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng đã thay mặt Bộ Công Thương trao đổi, trình bày lập luận, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về kết luận của cơ quan điều tra.
Đến nay, Cục Phòng vệ thương mại đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ tích cực từ phía hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, trước viễn cảnh các vụ kiện trong lĩnh vực phòng vệ thương mại sẽ ngày càng nhiều trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại mong muốn Thương vụ sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ nhiều hơn nữa thông qua các hoạt động sau: (i) Tiếp tục hỗ trợ cung cấp thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại; (ii) Cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại; (iii) Hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu; (iv) Hỗ trợ trình bày ý kiến, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về quan điểm, kết luận của cơ quan điều tra; (v) Hỗ trợ tham vấn hoặc khởi kiện ra WTO trong trường hợp cơ quan điều tra nước ngoài vi phạm các quy định của WTO mà nhà nước không thể bố trí tham gia.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho biết, những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là các vụ điều tra chống trợ cấp với tính chất ngày càng phức tạp, phạm vi sản phẩm điều tra ngày càng đa dạng. “Điều này không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam như bị áp thuế cao, nguy cơ giảm cạnh tranh, mất thị trường xuất khẩu,… mà còn gia tăng gánh nặng cho cơ quan nhà nước cấp trung ương và địa phương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp phải giải trình và theo đuổi các vụ việc” - Đại diện Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.