Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên tập trung nhiều giải pháp chống hạn

Thứ Tư, 23/03/2016 16:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Do tác động của hiện tượng El Nino kéo dài từ năm 2015 đến nay đã gây hạn hán trên diện rộng tại các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trước tình hình đó, các địa phương trong khu vực đang tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống hạn với nhiều giải pháp cấp bách.

 

Quảng Nam: Nguy cơ 17 ha lúa hè thu bị khô hạn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam, nắng nóng kéo dài từ đầu năm tới nay đã làm cho dòng chảy các sông trên địa bàn tỉnh biến đổi chậm và mức nước hạ thấp dần. Đặc biệt, dòng chảy trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn bị suy giảm mạnh làm cho mực nước ngọt trên các cánh đồng bị tụt thấp so với mực nước biển, theo đó nhiều khu vực đã bị mặn xâm nhập, nhất là tại khu vực Tứ Câu thuộc thị xã Điện Bàn. Thống kê sơ bộ hiện toàn tỉnh có gần 13.100 ha diện tích vụ Đông xuân phải tăng cường các biện pháp chống hạn và nhiễm mặn.

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cũng dự báo, với đà nắng nóng và không có mưa lũ tiểu mãn thì vụ Hè thu tới đây có khả năng trên 17.600 ha diện tích sản xuất của tỉnh sẽ bị khô hạn.

Nắng hạn đã làm cho nhiều cánh đồng tại miền Trung -Tây Nguyên không  thể canh tác được vì thiếu nước

Với dự báo trên, UBND tỉnh Quảng Nam đang tập trung chỉ đạo các địa phương và Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam kịp thời triển khai các giải pháp chống hạn, chống nhiễm mặn, cân đối nguồn nước cho cả năm nay. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu đơn vị này phải xác định cụ thể vùng đảm bảo tưới, vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán và thiếu nước để bố trí cây trồng phù hợp.

Đối với vùng trồng lúa thường bị thiếu nước, UBND tỉnh yêu cầu vận động nhân dân chuyển đổi sang cây trồng cạn hoặc dừng sản xuất; ưu tiên tiên sử dụng giống lúa ngắn ngày và trung ngày, hạn chế giống dài ngày. Các địa phương và Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, đồng thời vận động nhân dân tưới nước tiết kiệm theo phương pháp “ướt, khô xen kẽ”, tưới luân phiên; tích cực nạo vét kênh mương, đắp bờ vùng bờ thửa.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo ngành NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4, Đăk My 4 xây dựng kế hoạch xả nước qua phát điện hợp lý để bổ sung dòng chảy trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất ở vùng hạ du.

UBND tỉnh cũng dự kiến chi hơn 36 tỷ đồng cho các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam thực hiện biện pháp đầu tư các công trình để tăng cường phòng chống hạn và nhiễm mặn. Nguồn vốn này từ kinh phí hỗ trợ của Trung ương và một phần vốn ngân sách tỉnh và huyện.

Đà Nẵng: Đề nghị Tổng cục Thủy lợi làm việc để thủy điện xả nước cho hạ du

Tại TP.Đà Nẵng, trước tình hình nắng nóng, gây khô hạn như hiện nay, UBND TP.Đà Nẵng vừa yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác công trình tăng cường kiểm tra kênh mương, đồng ruộng, kiểm tra lượng nước lãng phí từ các kênh tiêu của từng khu tưới để điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm nước; phối hợp với các đội thủy nông cơ sở tổ chức lấy nước đúng phiên và xử lý kịp thời những sự cố; thường xuyên kiểm tra các ao nuôi cá, phân phối nước thích hợp và ưu tiên nước cho tưới lúa.

Cùng với đó, UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương tập trung tu bổ, đắp kín các đập thời vụ, đập ngăn, kênh tiêu trong khu tưới, khắc phục rò rỉ nước kênh mương và đồng ruộng; tổ chức phát động nhân dân đắp bờ giữ nước, đắp các đập tạm trên các mương tiêu để lấy nước, sử dụng nước tiết kiệm.

Đối với diện tích đảm nhận tưới của hệ thống thủy nông Đồng Nghệ và Hòa Trung phải tăng cường hoạt động các trạm bơm vệ tinh chống hạn đồng thời đắp chặn các trục tiêu để tạo nguồn sử dụng các máy bơm dầu lấy nguồn nước chống hạn. Những khu vực tưới có điều kiện thì tổ chức áp dụng tưới tiêu bằng phương pháp khoa học theo công thức tưới nông - lộ - phơi để tiết kiệm nước.

Theo dự báo của Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ xảy ra trên địa bàn Thành phố mạnh hơn trong thời gian tới, đặc biệt là từ giữa vụ Đông Xuân 2015 - 2016 và kéo dài đến vụ Hè Thu năm 2016. Với dự báo này, khả năng nắng nóng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoảng 849 ha đất nông nghiệp.

Do vậy, ngoài những giải pháp tại chỗ như đã nói trên, UBND thành phố Đà Nẵng hiện đang đề nghị Tổng cục Thủy lợi tiếp tục làm việc với các đơn vị quản lý thủy điện ở lưu vực Vu Gia – Thu Bồn xả nước đảm bảo đủ cao trình, lưu lượng để hoạt động các trạm bơm theo lịch thời vụ.

Gia Lai: Cấp bách chống hạn

UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan tập trung nhân lực, vật lực và chủ động ngân sách địa phương tổ chức chống hạn. Trước mắt tiến hành rà soát lại các hộ có nguy cơ thiếu đói để tỉnh có phương án hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia, đồng thời, tập trung chăm lo đời sống nhân dân với phương châm không để hộ nào bị đói, thiếu nước và bùng phát dịch bệnh do hạn hán gây ra.

Huy động toàn thể hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Cấp ủy Đảng tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn; làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo diễn biến hạn hán, tình trạng thiếu nước đến từng hộ dân để chủ động phòng, chống hạn, sử dụng nước có hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Tiếp tục rà soát, sử dụng có hiệu quả các nguồn nước sông, suối, ao, hồ; sử dụng nước hợp lí, tiết kiệm cho cây trồng với các biện pháp như tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, tưới luân phiên…

Khô hạn đang gây nguy cơ mất trắng đối với nhiều vườn hồ tiêu tại Gia Lai

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các cơ quan chức năng thành lập tổ công tác để tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu và chia sẻ khó khăn về nắng hạn kéo dài. Đồng thời, yêu cầu người dân chấp hành các quy định của pháp luật, không có hành vi vi phạm tranh chấp nguồn nước, gây phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, mặc dù chưa đến đỉnh điểm của mùa khô nhưng hạn hán xảy ra khá nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, riêng trên địa bàn 3 huyện Chư Pưh, Chư Sê và Krông Pa đã có hơn 800 ha lúa bị khô hạn, tình hình thiếu nước uống và nước sinh hoạt cho người dân cho người dân và cho chăn nuôi trong thời gian tới hết sức khó khăn.

Lâm Đồng: Liên ngành phối hợp chống khô hạn

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 426 công trình thuỷ lợi phục vụ nước tưới cho gần 59% diện tích sản xuất, số còn lại nhân dân phải chủ động nguồn nước tưới từ các sông suối, đào ao, giếng để khai thác nước phục cây trồng. Hiện nay, tại Lâm Đồng hạn hán xảy ra ở một số địa phương với diện tích gần 1.000 ha; nguy cơ cháy rừng đang ở cấp 5 cấp cực kỳ nguy hiểm. Và theo dự báo, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì trong vụ Hè Thu 2016 này, tỉnh Lâm Đồng sẽ có có khoảng 31.600 ha đất sản xuất thiếu nước tưới.

Để đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho nông nghiệp trong thời gian tới, vừa qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương của tỉnh này đã ký kết chương trình phối hợp thực hiện các giải pháp cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu gây khô hạn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2016.

Theo chương trình ký kết này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các sở, ngành tăng cường tuyên truyền vận động  nhân dân nhận thức đầy đủ về diễn biến khí hậu, hiện tượng El Nino và phòng chống khô hạn. Tập trung xây dựng cải tạo hệ thống kênh mương, ao hồ phục vụ sản xuất và xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật tưới tiên tiến tiết kiệm nước; bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền, vận động phòng chống hạn gắn với bảo vệ môi trường; phát huy dân chủ cơ sở, giám sát thực hiện các biện pháp phòng chống hạn.

Trên cơ sở các nội dung công tác, chương trình đã phân công cụ thể cho các đơn vị tham gia ký kết, từ đó nâng cao ý thức của các cấp, các ngành vác tầng lớp nhân dân nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống khô hạn, huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, cải tạo hệ thống công trình thuỷ lợi; duy trì ổn định sản xuất, sinh hoạt trong nhân dân./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN