Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: Chuyển mình để bứt phá mạnh mẽ

Thứ Sáu, 06/01/2023 15:50 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Để có những bước chuyển mình vượt bậc, hiện Khu Công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc đang từng bước đẩy mạnh tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các sản phẩm công nghệ; phát triển một hệ sinh thái toàn diện với tư duy cởi mở thu hút các tài năng công nghệ nghiên cứu, làm việc.

Ảnh minh họa: Bích Liên 

 Chuyển mình trở thành Khu CNC thông minh, phát triển

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc (Bộ Khoa học và Công nghệ), tính đến nay, Ban Quản lý đã thu hút được gần 100 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 376 ha. Trong đó có 86 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài.

Khu CNC Hoà Lạc đang chuyển mình để trở thành một Khu CNC thông minh, phát triển một hệ sinh thái toàn diện với tư duy mở về đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng “Đề án phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo hướng phù hợp với Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm, Công nghệ sinh học phục vụ y tế, Công nghệ cơ khí chính xác, Công nghệ tự động hóa... Nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như của các viện nghiên cứu, trường đại học đã đi vào hoạt động.

Khu CNC Hoà Lạc cũng được thiết kế để có hệ thống các đơn vị, tổ chức trung gian hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, kết nối giữa khu vực nghiên cứu với khu vực thương mại hoá, phổ biến, trình diễn, thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ, như: Trung tâm đào tạo và ươm tạo công nghệ cao, Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới Công nghệ, Viện nghiên cứu Hira. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã chính thức được khởi công ngày 9/1/2021. Dự kiến khi hoàn thành sẽ thu hút các nguồn lực để tăng cường hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đặc biệt, Khu CNC Hòa Lạc cũng đã triển khai các hoạt động thu hút đầu tư để hình thành hệ sinh thái ươm tạo, đổi mới sáng tạo, có được các kết quả bước đầu qua trọng, làm nền tảng để hình thành và phát triển các công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và lan tỏa ra nền kinh tế.

Điển hình như Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đang được xây dựng, sẽ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các nguồn lực về KH&CN, đào tạo, tài chính, tư vấn, không gian làm việc,..; hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; vận hành, phát triển Mạng lưới sáng tạo Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển KH&CN.

Thúc đẩy khát vọng sáng tạo, khởi nghiệp

Ông Nguyễn Thành Huy, Giám đốc Ban KH&CN thuộc Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, trọng tâm của Khu CNC trong giai đoạn tới là phát triển năng lực nội sinh, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính đột phá, có tính lan tỏa cao ở tầm quốc gia gắn với các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại Khu CNC.

Trong đó, việc ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao được Ban Quản lý xác định là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện mục tiêu của Khu CNC Hòa Lạc. Hiện nay, các dự án đầu tư tại Khu CNC đã hình thành được hệ sinh thái ban đầu trong một số lĩnh vực nghiên cứu như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa và vật liệu mới ... nhằm phát triển một hệ sinh thái toàn diện để thu hút được các tài năng công nghệ và các nhóm nghiên cứu mạnh đến làm việc tại đây.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Trung Dũng, Trưởng phòng Hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Hiện nay, khởi nghiệp đang là một xu thế phát triển mạnh mẽ của tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam nhằm phục hồi kinh tế đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Để có thể thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ thì các trường đại học cần phải nhấn mạnh trọng tâm trong quá trình đào tạo của mình tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

Văn kiện Đại hội XIII yêu cầu xác định rõ mục tiêu của giáo dục, đào tạo trong giai đoạn tới nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc, trong đó “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính một phần lớn thông qua thúc đẩy khát vọng sáng tạo, khởi nghiệp, chinh phục đỉnh cao tri thức, đưa các sản phẩm khởi nghiệp của Việt Nam đến với quốc tế nâng cao chỉ số sáng tạo của Việt Nam. Do đó, cần đoàn kết lại xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo các trường Đại học.

Đại diện Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cũng cho biết, nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động trong thời gian tới, Khu sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và y tế. Bởi đây là các lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng, điều kiện phát triển cũng như nhu cầu của thị trường lớn và là những lĩnh vực hiện nay Khu CNC Hòa Lạc có thế mạnh với các hệ sinh thái đang dần hình thành.

Đồng thời, tập trung thu hút các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn tại khu vực phía Bắc trong các lĩnh vực công nghệ cao được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Việc này vừa bảo đảm nhu cầu nghiên cứu phát triển của các ngành, lĩnh vực, vừa tạo được tiềm lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao của Khu CNC Hòa Lạc.

Vì vậy, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc mong muốn cấp có thẩm quyền cho phép Khu CNC Hòa Lạc áp dụng một số cơ chế chính sách thí điểm trong một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển ươm tạo, khởi nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ 4.0, công nghệ tự động hoá...; ban hành chương trình KH&CN phát triển sản phẩm trọng điểm công nghiệp tại Khu CNC Hòa Lạc; đồng thời có chủ trương tập trung đầu tư các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn tại khu vực phía bắc trong các lĩnh vực công nghệ cao được đầu tư bằng ngân sách nhà nước./.

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN