Không nâng lương cho đội ngũ nhà giáo đã thực sự hợp lý?
(ĐCSVN) - Mới đây, đề xuất tăng lương cho giáo viên không được đồng thuận. Điều đó đã gây nên sự hẫng hụt đối với đội ngũ nhà giáo trên mọi miền đất nước…
Phải chăng, niềm hy vọng về việc xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đã tan biến khi trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3, không có đề xuất tăng lương cho giáo viên…
Đã từ lâu, việc tăng lương, các chế độ đãi ngộ cho nhà giáo - những người trực tiếp đứng trên bục giảng để gieo con chữ cho thế hệ tương lai của đất nước được nói đến nhiều, đề cập đến nhiều và luôn là điều mong mỏi đối với bản thân mỗi nhà giáo. Song cho đến nay, câu chuyện về tăng lương cho giáo viên vẫn chưa có hồi kết.
Đã có một thời, lương giáo viên không đủ sống. Nhiều giáo viên đã từ bỏ nghề dạy học để làm nghề khác. Những người còn trụ lại thì phải xoay sở đủ kiểu để bươn chải trong vòng quay bộn bề những khó khăn của cuộc sống. Người thì vừa dạy học, vừa làm ruộng để có thêm thóc gạo, khoai sắn; người thì vừa dạy học, vừa buôn bán để mong kiếm thêm những đồng tiền ít ỏi, phụ giúp thêm cho cuộc sống gia đình. Làm sao có thể quên được hình ảnh những thầy, cô giáo mặc quần áo vá, đi xe đạp cũ, đèo sau vừa chiếc cặp đã cũ và những tải chè khô, những buồng chuối xanh, tải giấy vụn…Họ đã sống và vượt qua những giai đoạn khó khăn của đất nước nói chung, của ngành Giáo dục nói riêng. Họ đã đào tạo ra biết bao thế hệ học trò đủ đức, đủ tài để dựng xây đất nước. Phải chăng, chính là lòng yêu nghề, mến trẻ là sức mạnh để mỗi thầy, cô giáo vượt lên hoàn cảnh, tận tụy với nghề?
Khi đất nước phát triển, nhận thức của xã hội đối với giáo dục đã khác trước. Từ đó, đội ngũ các thầy, cô giáo được quan tâm hơn về thu nhập, nhà cửa, điều kiện công tác. Cuộc sống của thầy, cô giáo được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của xã hội, ở giai đoạn nào, đời sống của giáo viên và mức lương của họ cũng luôn đặt ra những vấn đề khiến cho cả xã hội luôn suy ngẫm.
Những câu hỏi như: Nghề dạy học là đặc thù, vậy có được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp? Đến bao giờ nhà giáo có thể sống bằng lương của mình ? Đến bao giờ việc nâng lương cho nhà giáo không còn là điều trăn trở của ngành Giáo dục ? Điều gì giúp nhà giáo yên tâm công tác? …
Khi bàn luận về vấn đề nâng lương cho nhà giáo, nhiều người quan niệm rằng, việc hưởng mức lương hiện tại của đội ngũ giáo viên như thế là cao rồi. Bởi lẽ, giáo viên chỉ phải làm nửa ngày, dạy theo giờ, tính như thế là đã cao. Có người lại cho rằng, lương là thế, tiền dạy thêm còn cao hơn nhiều...
Có thể nói, ngoài những nhà giáo đã có thâm niên công tác, bậc lương của họ tương đối cao và cuộc sống của họ đã có phần ổn định thì mức lương khởi điểm và mức lương của những giáo viên có thâm niên từ 10 đến 15 năm công tác vẫn ở mức thấp. Một giáo viên ở một huyện miền núi, có thâm niên công tác 13 năm, phụ cấp 35%, lương mới chỉ ở mức 5.825.900 đồng. Cũng ở vùng ấy, một giáo viên vào ngành năm 2012, hưởng lương đại học, phụ cấp 35%, lương 4.315.500 đồng. Điều đó, khiến cho cuộc sống của đa số giáo viên trẻ, trung niên gặp rất nhiều khó khăn. Mọi trang trải cho cuộc sống như: Nhà cửa, sinh hoạt hằng ngày, nuôi con ăn học, quan hệ xã hội… đều phụ thuộc vào đồng lương. Vì thế, phải chi tiêu thật khéo thì mới tạm đủ cho cả gia đình trong cả tháng.
Còn nói về dạy thêm, không phải giáo viên môn nào, vùng nào cũng dạy thêm để có thêm thu nhập. Công việc này chỉ tập trung vào một số bộ môn cơ bản, ở một số nhà trường và chủ yếu ở khu trung tâm và các thành phố lớn. Chúng ta không nên cào bằng việc thu nhập từ dạy thêm của giáo viên để đánh đồng với mức lương thu nhập hàng tháng. Bởi lẽ, những thầy, cô giáo công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì việc duy trì được sĩ số học sinh ở buổi học chính khóa đã là khó, nói gì đến chuyện dạy thêm, học thêm.
Ở những vùng này, giáo viên không những không có thu nhập bằng dạy thêm mà phải kiêm thêm những công việc vất vả như vận động học sinh đến trường, làm công tác dân vận để tác động vào nhận thức của nhân dân đưa con em đến trường. Đồng thời, điều kiện về cơ sở vật chất, việc đi lại, ăn ở của giáo viên ở những điểm trường, trường học vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn mà đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo phải có lòng yêu nghề, sự quyết tâm cao độ mới có thể vượt qua được.
Trong những năm gần đây, hiện tượng giáo viên làm nghề tay trái để có thêm thu nhập ngày càng phổ biến. Đó là một thực tế khi mức thu nhập hiện nay của những nhà giáo mới bước vào nghề, những nhà giáo không có thu nhập thêm bằng dạy thêm còn thấp. Để có thêm thu nhập phụ giúp trang trải cuộc sống, ngoài giờ, nhiều giáo viên đã tự kiếm công việc để làm như: cắt tóc, buôn bán, bán hàng online, sửa chữa điện thoại, mở cửa hàng ăn, bán mỹ phẩm… Dẫu biết rằng, đó là sự mưu sinh cần thiết của nhiều thầy, cô giáo nhưng lại là một sự thực đau lòng khi những người thầy, người cô, những người chèo lái con thuyền tri thức, những kỹ sư tâm hồn đang phải long đong trên đường đời để mong có thêm nguồn thu nhập cho cuộc sống. Vậy thử hỏi, nếu làm nghề tay trái như vậy thì đâu sẽ là thời gian để các thầy, cô nghiên cứu tài liệu, trau dồi tri thức, chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư vào chuyên môn để chất lượng giảng dạy được nâng lên, và quan trọng nữa là để họ yên tâm công tác?
Thiết nghĩ, việc nâng mức lương cho đội ngũ nhà giáo là cần thiết. Mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để mỗi nhà giáo có cuộc sống ổn định, yên tâm công tác nhưng có lẽ, trong xu thế phát triển của xã hội, kéo theo đó là những cơn bão giá của thị trường khiến cho đời sống của giáo viên trở nên khó khăn hơn bởi mức thu nhập không được cao. Nâng mức lương để mỗi nhà giáo ở những vùng miền khác nhau được yên tâm công tác, tận tâm với nghề, sáng tạo không ngừng luôn là điều mong mỏi của đội ngũ các thầy cô giáo, những người đang ngày đêm miệt mài bên trang giáo án để làm nên những “mùa vàng” trên “cánh đồng gieo chữ”./.