Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt lao động​

Thứ Hai, 08/11/2021 14:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo các đại biểu Quốc hội, cần có các chính sách hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ hơn để không xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt lao động, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước.

Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV…

Cần chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động

Là người đầu tiên phát biểu trong phiên thảo luận, Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam) dành nhiều thời gian nói về công tác phòng, chống dịch kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát.

ĐB nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục là một thách thức đặc biệt với dân tộc chúng ta và thế giới. Giai đoạn giãn cách vừa qua, chúng ta luôn quan tâm nhiều đến tác động về kinh tế, nhưng hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng.

Để phục hồi ổn định phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa tới lực lượng công nhân lao động.

“Đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước”, ĐB nói.

Theo đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc bao gồm không chỉ kết nối cung cầu lao động mà còn kiến tạo các động lực về cơ hội hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn. Tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tâm lý yên tâm quay lại nơi làm việc cho người lao động.

Dự báo năm 2022 tình trạng thiếu việc làm trên diện rộng, sẽ còn nhiều tiềm ẩn phức tạp và khó khăn, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân để duy trì lại nguồn cung lực lượng lao động an toàn thì cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Đi cùng với đó là tập trung vào kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động. Đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động.

“Cần tăng nguồn vốn, giải quyết việc làm cho các ngân hàng, ưu tiên các ngành nghề giải quyết nhiều lao động để từ đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động có ý định bám trụ tại quê nhà”, ĐB kiến nghị.

Đại biểu Trịnh Xuân An. Ảnh: TL. 

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc phục hồi, mở cửa kinh tế phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch, ngược lại nếu không có nền tảng kinh tế thì không có lực để chiến đấu với dịch bệnh.

Theo ĐB An, nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và an sinh đến nay đã gần 100.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn. Ngân sách nhà nước thời gian qua đã phải lo chi cho chống dịch. Do đó, đề nghị cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế, chống gian lận thương mại, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công.

Theo đại biểu, cần có các gói kích thích với liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp, có hiệu quả cho hệ thống doanh nghiệp.

Ngoài ra cũng cần có các chính sách hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ hơn để không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt lao động, chuyên gia; cần thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc một cách an toàn để không xảy ra tình trạng "người nghèo lại phải nuôi người nghèo".

Tập trung nguồn lực cho y tế cơ sở

ĐB Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đánh giá cao Chính phủ đã có quyết định quan trọng chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới từ zero COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID. Đặc biệt, trong bối cảnh rất khó khăn, thiếu thốn về vaccine, sinh phẩm, thuốc, thiết bị cho xét nghiệm điều trị, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã chủ động thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine.

Các đại biểu thảo luận tại Hội trường. Ảnh: TL. 

Tuy nhiên, ĐB chỉ ra thực tiễn chống dịch ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng vừa yếu về đội ngũ, lại thiếu trang thiết bị và nguồn lực triển khai nhiệm vụ. Đến nay, phần lớn các trung tâm y tế tuyến huyện vẫn chưa có phòng xét nghiệm sinh học phân tử nên việc xét nghiệm đều dồn về tỉnh và thành phố làm chậm trễ công tác xác định ca bệnh, ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống dịch, khi dịch ở mức độ bùng phát.

“Đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng với phương châm phòng bệnh hơn, chữa bệnh”, đại biểu nói.

Đồng quan điểm, ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) chỉ ra việc phân bổ số lượng vaccine cũng chưa đồng đều, nhiều địa phương vùng nguy cơ cao lượng vaccine phân bổ còn ít. Bên cạnh đó, hệ thống y tế còn bộc lộ những yếu kém, nhất là y tế tại cơ sở cũng chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra. Số lượng bác sĩ vẫn còn thấp, nhân lực y tế tại chỗ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, còn nhiều đối tượng khó khăn chưa nhận được gói hỗ trợ an sinh xã hội, thủ tục hỗ trợ cũng còn bất cập, rườm rà và tiến độ giải ngân cũng còn chậm. Việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng cũng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa được thống nhất.

Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ đẩy mạnh các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới. Rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Theo ĐB cần đánh giá hiệu quả các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 để đề ra những giải pháp trong những năm tiếp theo. Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương. Kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo công bằng, không để sót và lọt đối tượng.

“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm chi phí cho phòng chống dịch và các gói an sinh xã hội. Cương quyết xử lý nghiêm, đúng theo quy định pháp luật, các trường hợp phát hiện có sai phạm”, ĐB kiến nghị./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN