Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Không để các doanh nghiệp lợi dụng chính sách nộp chậm thuế

Thứ Sáu, 24/05/2019 17:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sáng ngày 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc mức tiền nộp chậm thuế, tránh để tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng chính sách này.

Bảo đảm công bằng trong thu phí chậm nộp thuế

Giải trình, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến nội dung xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế (Điều 59), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, tiền nộp chậm chỉ 0,03% trên ngày là quá thấp với lãi suất ngân hàng và dễ bị các doanh nghiệp lợi dụng. Một số ý kiến đề nghị tăng ít nhất 0,05% đến 1,5% mỗi ngày nhằm tránh trường hợp lợi dụng chính sách nộp chậm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin giải trình như sau: Trong giai đoạn vừa qua, do biến động của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do khách quan, do đó để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức tiền chậm nộp (từ 0,07% xuống 0,05% và hiện nay là 0,03%/ngày). Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: TH.

Cơ bản đồng tình với quy định chậm nộp tiền thuế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh còn khó khăn hiện nay, song Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho hay, qua tiếp xúc với một số cơ quan thuế địa phương đề nghị xem lại nội dung này. Bởi có tình trạng một số DN lớn, nghiên cứu luật rất kỹ, đã vận dụng điều này để giảm bớt thời gian. Cụ thể trong 90 ngày nếu chậm nộp tiền thuế 5, 10 tỷ đồng, thì thay vì nộp thuế, DN lấy số tiền này sử dụng việc khác, để đến đúng 90 ngày mới nộp, khiến không công bằng với các DN chấp hành đúng.

“Đề nghị điều chỉnh bằng lãi suất ngân hàng, còn DN nào khó khăn thì miễn giảm theo quy định”, ĐB Tuấn nói.

ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng cho rằng cần cân nhắc thận trọng mức thu phí chậm nộp thuế để bảo đảm công bằng  tránh lợi dụng chính sách lãi suất thấp để chây ì nộp thuế. Trên cơ sở đó, kiến nghị quy định lãi suất bằng lãi suất quá hạn của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm chặt chẽ, nghiêm minh.

Làm rõ thẩm quyền xóa nợ thuế

Về thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, dự thảo Luật quy định: Đối với các khoản nợ thuế từ 5 tỷ đồng trở lên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật này có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật này có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 15 tỷ đồng trở lên.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt vấn đề: “Theo dự Luật, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ được xóa nợ chỉ cho đối tượng doanh nghiệp; còn nợ thuế của đối tượng hộ kinh doanh sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định xóa. Nhưng cũng trong dự Luật, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố lại chỉ có thẩm quyền xóa nợ thuế, phạt chậm nộp đến 5 tỷ đồng. Nếu hộ kinh doanh cá thể có số nợ trên 5 tỷ đồng thì sẽ do ai xóa nợ”?

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng bày tỏ băn khoăn về căn cứ, tiêu chí đưa ra mức tiền xóa nợ của từng cấp thẩm quyền.

ĐB Tuấn dẫn chiếu Luật Ngân sách nhà nước hiện hành, theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ có quyền quyết định chi đến 3 tỷ đồng, trên mức này Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng.

ĐB Dương Minh Tuấn cho rằng, nên cân nhắc bỏ thẩm quyền xóa nợ của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, bởi cơ quan Thuế là cơ quan hành thu nhưng lại có quyền xóa nợ, dễ xảy ra không minh bạch.

Ở khía cạnh khác, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, quy định Bộ Công an có trách nhiệm điều tra tội phạm thuế và xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự đối với các hồ sơ cơ quan quản lý thuế phát hiện hành vi trốn thuế chuyển sang là chưa khái quát và chưa đầy đủ.

Theo ông, thực tế các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mà cơ quan thuế phát hiện và chuyển sang cho cơ quan Công an không chỉ là trốn thuế mà còn mua bán trái phép hoá đơn, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong hoàn thuế giá trị gia tăng…

“Nếu chỉ quy định như dự thảo thì các vụ việc trốn thuế mà cơ quan quản lý thuế phát hiện, chuyển sang cho cơ quan Công an mới được kiểm tra, xử lý, còn các loại vi phạm khác có liên quan đến lĩnh vực thuế có được điều tra không?”, ĐB băn khoăn./.

Thu Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN