Không có sự hỗ trợ, doanh nghiệp khó "vươn ra biển lớn"!
(ĐCSVN) - Ở nước ta, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được đề cập hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, khi chưa có một đạo luật riêng, thì việc hỗ trợ đôi khi chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết những khó khăn ngắn hạn. Mọi sự hỗ trợ là cần thiết, nhưng cái mà doanh nghiệp cần chính là cơ chế, chính sách phải đến sớm và thân thiện với doanh nghiệp.
Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lí do khác nhau (chiếm 45,5%).
5 tháng đầu năm 2016, cả nước có thêm 44.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 349.500 tỷ đồng, tăng 24,1% về số doanh nghiệp và tăng 59,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, cùng thời gian này, cả nước có 28.582 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động (10.794 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 17.788 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký), tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước.
Dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng chênh lệch giữa số doanh nghiệp thành lập mới và giải thể, ngừng hoạt động đang thu hẹp lại. Điều đáng quan ngại hơn khi tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất cao, chiếm tới trên 96%, chỉ có 2% là doanh nghiệp lớn và 2% là doanh nghiệp cỡ vừa.
Về cơ cấu ngành nghề, rất ít doanh nghiệp dân doanh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, mà tập trung nhiều vào lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ, bất động sản, tài chính, v.v... Nhìn vào cơ cấu doanh nghiệp và cơ cấu ngành nghề sẽ nhận diện được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa cao, sức cạnh tranh trong nước và quốc tế thấp.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn, khó trụ vững trên thương trường là do nội lực của doanh nghiệp và những rào cản về cơ chế, chính sách.
Và 9 nhóm vấn đề được ví như rào cản mà cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị với Chính phủ cần sớm xem xét, điều chỉnh: Các vấn đề liên quan đến Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các thủ tục kinh doanh; thuế, hải quan; đất đai xây dựng, giải phóng mặt bằng, tài nguyên môi trường; vốn, tiếp cận vốn; giao thông, vận tải, phí và lệ phí; chính sách khoa học công nghiệp, bảo hộ bản quyền, sở hữu trí tuệ; báo chí, truyền thông; thanh tra, kiểm tra của các cơ quan hành chính.
Những rào cản đang “treo” vào doanh nghiệp chắc chắn sẽ được gỡ bỏ, khi Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có cam kết: Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
Các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp tục được thực hiện và được cụ thể hóa hơn bằng Nghị quyết số 35 ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ. Riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để trình Quốc hội khóa XIV.
Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã dự liệu nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, gồm: Hỗ trợ đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh; Hỗ trợ tài chính và thuế; Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa; Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin và tư vấn kinh doanh; Hỗ trợ về lao động và nguồn nhân lực; Hỗ trợ khởi nghiệp; Hỗ trợ liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, v.v...
Hỗ trợ cho doanh nghiệp là việc phải làm, nhưng hỗ trợ không được đánh đồng với việc trợ cấp. Với vai trò là Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, thì luật pháp phải tạo ra môi trường kinh doanh tốt; không để thủ tục hành chính và người thi hành công vụ “hành” doanh nghiệp; không để lợi ích nhóm thâu tóm chính sách; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và trợ giúp pháp lý để doanh nghiệp biết cách “vươn ra biển lớn”.
Với doanh nghiệp lỡ cơ hội gần như là lỡ...tất cả. Vì thế chính sách phải đến sớm và thân thiện với doanh nghiệp.