"Không bảo vệ người tiêu dùng thì nên đình chỉ hoạt động"
(ĐCSVN) - Mới đây, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) đã công bố thông tin về 67% mẫu nước mắm do Hội này khảo sát bị nhiễm asen vượt mức cho phép, gây hoang mang đối với người tiêu dùng. Trước thông tin như vậy, Bộ Y tế đã tiến hành lấy mẫu và có kết quả kiểm tra. Theo đó, 100% mẫu nước mắm được kiểm tra đảm bảo an toàn.
Ảnh minh họa: dantri.com.vn.
Với những thông tin mà Bộ Y tế đưa ra là các mẫu nước mắm đều đảm bảo an toàn cho người sử dụng, chị Trần Thu Nga (Quận Ba Đình, Hà Nội) nêu ý kiến: “Chúng tôi đã thực sự rất hoang mang trước những thông tin mà Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người dùng (Vinastas) đã đưa ra hồi trung tuần tháng 10 vừa qua. Gia đình tôi từ lâu vẫn tin dùng các loại nước mắm truyền thống. Khi biết thông tin nước mắm có hàm lượng thạch tín (asen) vượt ngưỡng cho phép thì sao mà không lo lắng cho được, nhất là khi thông tin này được đưa ra từ một cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Rất may các cơ quan chức năng đã vào cuộc kịp thời làm sáng tỏ vụ việc. Mong rằng sau này sẽ không còn những thông tin mập mờ, thiếu sự giải thích như vậy nữa”.
Trước những thông tin do Vinastas đưa ra làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các tiểu thương trong những ngày qua, chị Hoàng Thị Phương - tiểu thương có bán mặt hàng nước mắm tại chợ Đồng Xuân bức xúc chia sẻ: “Sau khi Bộ Y tế chính thức đưa ra thông tin xác minh về hàm lượng asen có trong nước mắm là loại asen hữu cơ, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng thì tình hình buôn bán của bà con nói chung đã dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân từ đâu mà Hội bảo vệ người tiêu dùng lại đưa ra những thông tin không rõ ràng như vậy? Họ có đủ chức năng, thẩm quyền để đưa ra những thông tin đó không? Sự thiệt hại của chúng tôi trong những ngày qua ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) về những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc này. Luật sư Bình cho biết: Nếu các cơ quan có thẩm quyền có kết luận rằng, việc Vinastas công bố thông tin về 67% mẫu nước mắm bị nhiễm asen vượt mức cho phép là sai sự thật và thông tin này làm ảnh hưởng đến các hộ sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh nước nắm thì Vinastas phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng. Theo quy định tại Điều 604, Bộ luật Dân sự 2005 và Mục 1 Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có đủ các yếu tố theo luật định.
Trong trường hợp này, nếu các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… thấy rằng, việc đưa tin sai lệch của Vinastas đã gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình (không tiêu thụ được sản phẩm, các nhà phân phối từ chối tiêu thụ sản phẩm, sản phẩm bị hư hỏng do tồn đọng, lao động mất việc làm do sản xuất đình trệ …) và đồng thời chứng minh được thiệt hại xảy ra thì có quyền thương lượng với Vinastas để yêu cầu bồi thường. Nếu việc thương lượng không thành hoặc không đạt kết quả như mong muốn thì người dân có thể khởi kiện Vinastas ra tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại để yêu cầu giải quyết theo Điều 40, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi cùng báo giới, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho biết: “Ở đây, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng không có quyền công bố những vụ việc như vậy và việc này thuộc quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu như Hội bảo vệ người tiêu dùng phát hiện ra vấn đề thì phải đề nghị cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc xử lý việc đó. Theo quy định, người công bố chất lượng sản phẩm có ảnh hưởng tới sức khỏe con người hay không là thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Bộ Y tế. Trong vụ việc này, Vinastas nếu có muốn làm thì phải được Bộ Y tế ủy quyền để thực hiện công bố thông tin, còn việc làm như vậy rất có thể dẫn tới hiện tượng tiêu cực.”
Về vấn đề này, mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định: “Cái cách công bố và cách thông tin về vấn đề này có nhiều “mập mờ” gây lo lắng cho người dân”. Cụ thể, Bộ trưởng nêu rõ: “Một thông tin liên quan đến tâm trạng của hàng chục triệu người tiêu dùng và công ăn việc làm của hàng trăm nghìn người... lại được công bố một cách cẩu thả, không kiểm soát. Còn việc có hay không sự cấu kết tạo chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm “con tin”, nhằm tư lợi cho doanh nghiệp này gây hại cho doanh nghiệp khác lại là vấn đề khác. Câu hỏi liệu có ai đó đứng sau điều khiển sự tùy tiện của người công bố thông tin và truyền thông? Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra, làm rõ vấn đề này, xác định mức độ sai phạm và hậu quả của sai phạm để xử lý nghiêm minh và thông báo đồng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng".
Đồng tình với ý kiến của luật sư, đại biểu Quốc hội và người đứng đầu ngành Thông tin và truyền thông, nhiều người dân, nhiều chủ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước mắm truyền thống cũng cho rằng: Nếu Vinastas hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, có dấu hiệu khuất tất, không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cơ quan chức năng cần đình chỉ hoạt động để xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định./.