Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình
(ĐCSVN) – Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình; Chuyển Bộ Công an 9 vụ việc về ngành điện; Giá vàng lên mức cao nhất mọi thời đại; 400 người mất nhà cửa trong vụ cháy lớn đêm Giáng sinh ở Nam Phi... là những tin đáng chú ý ngày hôm nay (25/12).
Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình
Chiều tối ngày 25/12, Bộ Công an cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 29/QĐ-CSKT-P9 ngày 10/8/2023.
Mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, điều chỉnh trữ lượng, công suất và khai thác trái quy định của pháp luật tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình |
Ngày 23/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Thanh Bình về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, ngày 24-25/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.
Giá vàng lên mức cao nhất mọi thời đại
Trong phiên giao dịch ngày 25/12, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 1,5 triệu đồng, lên mức cao nhất mọi thời đại, đạt ngưỡng 77,4-78,4 triệu đồng/lượng (mua - bán), chênh lệch 2 chiều là 1 triệu đồng. Giá tăng liên tục khiến các công ty vàng điều chỉnh giá tới 12 lần.
Giá vàng được điều chỉnh 12 lần trong ngày 25/12/2023 |
Giá vàng thế giới chốt tuần vừa rồi ở 2.053,2 USD/ounce. Thị trường quốc tế đang tạm đóng cửa do trùng kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Quy đổi theo tỷ giá chưa bao gồm thuế, phí, mỗi lượng vàng miếng SJC đang đắt hơn thế giới gần 18 triệu đồng.
Vàng nhẫn cũng công phá đỉnh mới. Các công ty vàng bạc lớn niêm yết giá mua bán vàng nhẫn tiệm cận mức 62-63,05 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam khuyên người dân đừng để bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. Lý do người dân có xu hướng chọn vàng thời điểm cuối năm do yếu tố mùa vụ, nhu cầu dịp cưới hỏi, lễ hội, đón năm mới, vía Thần tài… tăng lên.
"Đầu tư, kiếm lời thì rủi ro, còn nếu coi đây là tài sản cất giữ thì cứ mua vàng nếu giá xuống. Không nên mua theo phong trào vì giá quốc tế lên mãi cũng sẽ đảo chiều. Thị trường quốc tế chứng kiến nhiều lần lên mạnh rồi cũng quay đầu giảm mạnh", ông Hùng nhấn mạnh.
Chuyển Bộ Công an 9 vụ việc về ngành điện
Ngày 25/12, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Theo đó, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu phục vụ việc xem xét, điều tra xử lý theo quy định pháp luật nhiều vụ việc.
Thứ nhất, việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung và tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.837 MW không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch (không bao gồm 14 dự án với công suất 870 MW do Bộ Công Thương đã phê duyệt trong quy hoạch điện lực cấp tỉnh của 4 tỉnh trước năm 2016 cập nhật sang giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đó, phê duyệt 123 dự án với tổng công suất gần 8.500 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020 là nguyên nhân dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới, mất cân đối về cơ cấu nguồn điện, vùng miền, gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành, có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Ảnh minh họa: Nga Nguyễn |
Thứ hai, việc Bộ Công Thương tham mưu Thủ tướng ban hành nội dung khoản 3 Điều 5 Quyết định số 13/2020 trái với nội dung Nghị quyết số 115/2018 của Chính phủ và không đúng với nội dung kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 402/2019 của Văn phòng Chính phủ, làm tăng chi phí mua điện, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước (EVN).
Thứ ba, việc Bộ Công Thương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nội dung khoản 1 Điều 5 Quyết định số 13/2020 không đúng nội dung kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 402/2019, làm tăng chi phí mua điện, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước (EVN).
Thứ tư, xem xét đối với Bộ Công Thương trong việc ban hành hướng dẫn và tham mưu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà có những sơ hở, khuyết điểm, vi phạm dẫn đến nhiều hệ thống, cụm hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đầu tư xây dựng nhanh với công suất lớn, xấp xỉ 01MW, trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng được hưởng cơ chế ưu đãi của hệ thống điện mặt trời mái nhà (giá FIT 8,38 UScent/kWh, áp dụng trong 20 năm).
Thứ năm, việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất Quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia, Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan tại tỉnh Bình Thuận.
Thứ sáu, việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời chồng lấn lên quy hoạch thủy lợi thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận.
Thứ bảy, việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng Dự án điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp chồng lấn lên quy hoạch vùng tưới Hồ chứa nước Ia Mơr tại tỉnh Đắk Lắk.
Thứ tám, việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện gió chồng lấn lên Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite tại tỉnh Đắk Nông.
Thứ chín, việc quản lý, sử dụng đất, thực hiện đầu tư xây dựng dự án Nhà máy thủy điện Đắk Glun 2, 3 trên diện tích 15,3 ha đất tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông (ngoài diện tích 208 ha đất được giao); việc đầu tư xây dựng trên 208 ha đất được giao, trong đó có 25,23 ha rừng tự nhiên chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng công trình năng lượng.
Nam Phi: 400 người mất nhà cửa trong vụ cháy lớn đêm Giáng sinh
Vụ cháy lớn xảy ra chiều 24/12 tại một khu định cư không chính thức ở Cape Town đã khiến 80 công trình đã bị phá hủy và khoảng 400 người dân mất nhà cửa.
Người phát ngôn của Cơ quan Cứu hỏa và Cứu hộ thành phố Cape Town, Jermain Carelse, cho biết nhiều trang thiết bị chữa cháy đã được triển khai tuy nhiên do gió mạnh, ngọn lửa tiếp tục trong nhiều giờ khiến lực lượng cứu hỏa gặp khó khăn trong việc khống chế đám cháy./.