Khơi thông vốn cho nông nghiệp công nghệ cao
(ĐCSVN) - Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã ứng dụng chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp. Mặc dù vậy, phát triển nông nghiệp thông minh của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và chưa đạt được như kỳ vọng.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Diễn đàn. |
Phát biểu tại Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0 được tổ chức chiều nay 23/7, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức do sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI nhận định nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên. Cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa rộng rãi với sự nỗ lực của nhiều quốc gia trong chuyển đổi số dẫn tới sự phát triển nhanh chóng, đồng thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, như xung đột địa chính trị, tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác, trái đất nóng lên, xâm nhập mặn,… thì việc thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng là rất cấp thiết.
Đặc biệt, với ngành nông nghiệp Việt Nam có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp dễ tổn thương và chịu nhiều tác động của sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp.
Bởi vậy, ông Hoàng Quang Phòng nhận định, cần tiếp cận theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao, chứ không đơn thuần chỉ là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cũng chính vì vậy, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.
Thiếu căn cứ để xác định hỗ trợ cho vay vốn
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Văn Tuấn, Phó trưởng ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank cũng cho biết, với việc sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ông Lê Văn Tuấn, Phó trưởng ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank phát biểu tại Diễn đàn. |
Trong chiến lược kinh doanh, ông Tuấn cho biết, Agribank xác định, nông nghiệp ứng dụng CNC là lĩnh vực được ưu tiên và luôn dành nhiều ưu đãi cho khách hàng vay vốn qua việc đồng bộ triển khai nhiều giải pháp để tạo nguồn vốn cho tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ khách hàng.
Trên thực tế, Agribank không ngừng nỗ lực cải tiến quy trình, áp dụng công nghệ, rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn; tiết giảm chi phí để mở rộng vốn cho đầu tư tín dụng, giúp khách hàng tiếp cận vốn vay một cách nhanh chóng; đồng tích cực thực hiện chính sách về thúc đẩy ngân hàng xanh, cam kết áp dụng tiêu chuẩn ESG và tích hợp vào chiến lược kinh doanh để góp phần xanh hóa hoạt động ngân hàng, bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng, đóng góp vào cam kết quốc tế tại Việt Nam.
Ngay khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN (ngày 24/4/2017) chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch. Agribank đã hưởng ứng mạnh mẽ triển khai ngay lập tức gói tín dụng 50.000 tỷ đồng và là ngân hàng có mức cam kết cho vay cao nhất trong tổng các ngân hàng thương mại (NHTM) đăng ký tham gia.
Bên cạnh đó, khách hàng vay vốn theo chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch của Agribank được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank, giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống Agribank…
Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay vốn thực hiện công nghệ cao. Cụ thể, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp CNC còn nhiều bất cập như: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn; Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch còn chung chung, chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí của dự án, nên NHTM thiếu căn cứ để xác định cho vay theo Chương trình.
Bên cạnh đó, thiếu nguồn vốn đầu tư để phát triển Nông nghiệp CNC. Ông Tuấn đánh giá, đây là một yếu tố quan trọng, bởi lẽ, để phát triển Nông nghiệp CNC, trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, công nghệ, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm…
Chính sách đất nông nghiệp chưa khuyến khích nông dân bảo vệ đất và đầu tư dài hạn vào đất. Thêm vào đó, đất sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn rất manh mún. Với tình trạng này, nếu Nhà nước và các cấp chính quyền không có những giải pháp thúc đẩy tích tụ tập trung những diện tích đất đai nhỏ lẻ để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thì khó có thể khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, xây dựng nông trang, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp.
Phát triển Nông nghiệp CNC là cần thiết đối với các quốc gia trên thế giới và đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Do đó, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC trong thời gian tới, ông Tuấn kiến nghị, các Bộ ngành cần nhanh chóng ban hành các khung pháp lý, quy định và hướng dẫn liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp CNC, tài chính xanh nhằm khơi thông hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp cũng như tổ chức tài chính tham gia vào thị trường nông nghiệp CNC, tài chính xanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ chi phí thiết kế đồng ruộng, cơ sở hạ tầng, tạo vùng sản xuất tập trung chuyên canh sản xuất hàng hóa, thuận tiện cho áp dụng cơ giới hóa để sản xuất Nông nghiệp ứng dụng CNC; hỗ trợ chi phí đo đạc, lập hồ sơ, chuyển đổi đất đai giữa các tổ chức, hộ nông dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư trong vùng sản xuất Nông nghiệp ứng dụng CNC…
Để có nông nghiệp thông minh cần có nguồn nhân lực thông minh
Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0 |
Tại Diễn đàn, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC) cũng nhấn mạnh, muốn có một nền nông nghiệp thông minh cần phải có nguồn nhân lực thông minh. Trên thực tế, tại Việt Nam, người nông dân nói riêng cũng như đội ngũ nhân lực làm nông nghiệp nói chung, phần lớn còn đang làm nông nghiệp theo các phương thức truyền thống. Kinh nghiệm, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở mức thấp, chưa có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ và bền vững.
Chính vì vậy, ông Thắng nhấn mạnh, việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức doanh nghiệp khoa học là tất yếu, phải được tổ chức như một thiết chế hợp tác đầu tư, sản xuất và kinh doanh để tạo ra sức mạnh tổng thể, phát huy nguồn lực, xây dựng nền tảng để phát triển nông nghiệp Xanh - Tuần hoàn - Bền vững.
Theo ông Thắng, hợp tác đầu tư phát triển nông nghiệp là quá trình thay đổi mô hình hoạt động đơn lập thành mô hình tích hợp, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp, tận dụng tối đá các nguyên liệu, phế phụ phẩm, tái chế chúng thành các sản phẩm, hàng hóa, tạo thành cơ chế sản xuất tuần hoàn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững. Đó là: Hiệu quả kinh tế - An sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Do đó, ông Thắng kiến nghị, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng tích cực, cởi mở để có chính sách phù hợp cho các hoạt động liên kết và hợp tác đầu tư vào nông nghiệp cho cả hai khu vực “công – tư”. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp khoa học đang thuộc sở hữu Nhà nước nhưng đã được giao tự chủ cần làm rõ hơn quyền tự chủ của các tổ chức này. Các tổ chức khoa học được giao tự chủ, tự cân đối tài chính, tự thu, tự chi cần phải được giao quyền tự quyết việc dùng tài sản Nhà nước được giao để tham gia hợp tác, đầu tư trên nguyên tắc không làm mất quyền sở hữu Nhà nước.
Đồng thời, Nhà nước sớm ban hành các quy định đủ mạnh để có một khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo hướng đi mới. Các mô hình hợp tác phát triển và đổi mới sáng tạo cần được cho phép thực hiện theo hình thức thử nghiệm, thí điểm theo cơ chế mở, không bị chi phối bởi các quy định cũ trên nguyên tắc chỉ làm những gì pháp luật không cấm.
Các mô hình đổi mới - sáng tạo được phép làm thí điểm, thử nghiệm sẽ được quy định thời gian thử nghiệm, thí điểm theo đề xuất và phải được tổng kết, đánh giá những ảnh hưởng tích cực hoặc hạn chế của mô hình, từ đó làm cơ sở để cơ quan chức năng hoàn thiện thể chế cho loại hình đó.
Cuối cùng, ông Thắng đề nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định theo hướng mở để có cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng trong việc bắt tay hợp tác – liên kết đầu tư phát triển ngành nông nghiệp của các doanh nghiệp nông nghiệp và tổ chức, doanh nghiệp Khoa học để mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp thông minh, sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển dựa trên lợi thế địa phương theo hướng hiện đại, gắn khoa học – công nghệ với năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững…/.