Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khởi sắc từ nghề làm hương

Thứ Tư, 04/05/2022 16:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Từ xa xưa, nghề làm hương thủ công đã gắn bó với đồng bào dân tộc Tày tại nhiều địa phương của tỉnh Bắc Kạn. Đốt hương đối với họ đây là thứ không thể thiếu vào những dịp lễ, Tết, hay các sự kiện trọng đại như hội hè, cưới hỏi, ma chay, đầy tháng, giải hạn. Cũng chính bởi thế, người Tày đã lưu giữ và phát triển nghề làm hương vừa để gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc, vừa tăng thu nhập cho gia đình.

 Bà Trương Thị Quai mang hương ra phơi.

Bà Trương Thị Quai ở Bản Mới, xã Tú Trĩ, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã gắn bó với nghề làm hương Tày từ hơn 30 năm nay. Theo bà, nguyên liệu làm hương chủ yếu được lấy từ các loại lá cây và gỗ mục ở trên rừng, nhờ đó hương có mùi thơm tự nhiên, dịu nhẹ, an toàn khi sử dụng. Mặc dù vậy, để làm ra được những que hương như thế này phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là đi lấy tre về chẻ tăm, ngâm xong phơi cho khô mới làm hương, cái khó nhất là lấy tăm thôi, còn cái hương này làm rất dễ. Công đoạn để mình làm sản phẩm đẹp là se những nén hương, phải làm thế nào cho que hương nó đều, đẹp và nhẵn.

Theo bà Quai, để có hương thơm thuần chất, quan trọng nhất chính là công thức pha bột hương. Nếu pha trộn tỷ lệ bột không đều nén hương sẽ không dính, không có mùi thơm đặc trưng của lá cây, hương gỗ. Bột làm hương cũng phải thật mịn, khi đã làm xong bột thì lên rừng hái cây mạy giêng (là loài cây gai thân gỗ) về đun đặc cô thành nhựa, rồi nhúng que tre đã chẻ nhỏ để làm lõi hương vào, sau đó lăn qua bột hương 4 lần rồi đem mới phơi khô. Muốn sản phẩm được hoàn thiện, giai đoạn phơi hương cũng cần có những lưu ý riêng.

Hôm nào trời khô thì mang ra phơi, nắng to thì 2 buổi là được, còn trời mưa thì cần 4-5 ngày hương mới khô. Khi hương khô thì bó thành sản phẩm mang đi ra chợ bán.

Tre sau khi chẻ thành tăm phải được lăn qua bột hương 4 lần. 

Hiện nay tại bản Mới có gần chục hộ theo nghề làm hương. Nếu như trước đây các hộ làm chủ yếu chỉ để phục vụ trong gia đình, tiếp nối truyền thống của cha ông hay đơn giản chỉ vì sự đam mê. Thì giờ đây trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường họ đã biết thương mại hóa để làm ra nhiều sản phẩm với số lượng lớn bán cho người tiêu dùng nhằm tăng thêm thu nhập. Với nhiều năm gắn bó với nghề, người dân nơi đây đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý, vì vậy thời gian sản xuất được rút ngắn, sản phẩm làm ra bền, đẹp, với chất lượng ngày càng cao, thu hút được thị hiếu của nhiều khách hàng.

Nhờ phát triển nghề làm hương, những năm gần đây người Tày ở bản Mới, xã Tú Trĩ đã có nguồn thu nhập ổn định. Chỉ tính riêng trong dịp cận Tết, từ việc bán sản phẩm này, người dân còn có thêm khoản tiền đáng kể từ 15 - 20 triệu đồng. Cũng nhờ làm hương cuộc sống của bà con nơi đây đã từng bước khấm khá hơn, nhà xây đua nhau mọc lên khang trang, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Bài, ảnh: KC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN