Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khởi sắc nông thôn mới vùng cao Đăk Trăm

Thứ Tư, 12/06/2024 10:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Về xã vùng cao Đăk Trăm, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ sự khởi sắc, đổi thay từng ngày ở nơi đây. Đây là thành quả từ sự nỗ lực, năng động, sáng tạo, đoàn kết, chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, xây dựng nông thôn mới….

 Cây dứa góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân xã Đăk Trăm.

Đồng chí Nông Thị Thiệp, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Trăm cho biết: Đảng bộ xã có 164 đảng viên sinh hoạt ở 12 chi bộ trực thuộc. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ tập trung lãnh đạo xây dựng nông thôn mới, hiện đã đạt 14/19 tiêu chí. Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, đạt nhiều kết quả rõ nét, thực chất.

Với trên 95% dân số là đồng bào dân tộc Xơ Đăng, đời sống còn khó khăn. Vì vậy, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, đối với phát triển kinh tế, tiếp tục lấy phát triển nông nghiệp và tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để mở rộng các loại hình sản xuất, kinh doanh. Đảng ủy phân công các đồng chí đảng ủy viên, cán bộ chủ chốt thường xuyên bám dân, dự sinh hoạt cùng chi bộ thôn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời có những giải pháp trong chỉ đạo, điều hành. Từ đó, bám sát vào nghị quyết của Đảng ủy, cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở Đăk Trăm là các loại cây trồng chủ lực, mũi nhọn được duy trì, phát triển và năng suất, sản lượng luôn được nâng cao. Trong đó, lúa nước 173 ha, lúa rẫy 5 ha, sắn 490 ha, ngô vụ mùa 5 ha, rau đậu các loại 12 ha. Đặc biệt, xã liên kết với Công ty Thảo dược Tây Nguyên trồng 17,6 ha gừng, nghệ, quế. Hội Nông dân triển khai trồng 1,5 ha nghệ, trên 13 ha sơn tra thuộc dự án trồng rừng.

Bà con dân tộc Xơ Đăng đưa giống dưa năng suất cao vào sản xuất.  

Những ngày đầu tháng 6/2024, chúng tôi đến thăm gia đình chị Y Char ở làng Ðăk Rô Gia. Chị bày tỏ: Trước đây, trồng sắn nhưng không phát triển, cho năng suất thấp. Ðược xã vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị đã mạnh dạn đầu tư trồng 2 ha dứa xen canh cây mắc ca. Kết quả cho thấy, riêng diện tích dứa đã cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với trồng sắn.

Còn gia đình chị Y Lan ở làng Ðăk Mông cũng mạnh dạn phá bỏ một phần diện tích trồng sắn để chuyển sang trồng gừng. Với giá gừng hiện tại, gia đình chị đã có thu nhập gần gấp 2 lần so với trồng sắn. Thời gian tới, chị dự định chuyển đổi toàn bộ diện tích sắn còn lại để trồng gừng với hy vọng mang lại thu nhập cao và bền vững hơn.

Ông A Sem, thôn Đăk Dring hưởng ứng Cuộc vân động thay đổi nếp nghĩ cách làm đã chuyển đổi diện tích lúa một vụ thiếu nước năng suất thấp sang trồng mía liên kết với Công ty cổ phần đường Kon Tum với diện tích 0,82 ha, năm 2022 chặt bán cho nhà máy đường vụ mía tơ đạt 84 tấn, năm 2023 thu hoạch được 84 tấn, mang lại giá trị kinh tế gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã, địa phương liên kết với Công ty cổ phần Đường Kon Tum, Công ty HD Dương Gia, Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Chi nhánh Gia Lai) để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mía đường, mắc ca, dứa, sâm dây, gừng, nghệ… Hiện nay, cây mía đã trồng được gần 100 ha tại các thôn, trong đó khu vực Đăk Nghe - Tea Hao đã hình thành cánh đồng lớn trồng mía trải dọc 2 bên sông Đăk Tờ Kan, đang phát triển tốt, nhiều triển vọng.

Bí thư Chi bộ kiêm thôn trưởng Đăk Rô Gia A Ngực chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy xã, Chi ủy thôn tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo gắn với thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững”. Theo ông A Ngực, chuyển biến rõ nét, thực chất nhất đó là bà con dân tộc Xơ Đăng đã chuyển nhận thức, thay đổi tư duy, tích cực làm ăn so với trước đây.

 Thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Theo đồng chí Y Chim, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, những năm qua, Đăk Trăm đã vận động 195 hộ nghèo, cận nghèo tham gia tổ hợp tác, nhân rộng thành viên tổ hợp tác trồng mắc ca thêm 165 thành viên và 39 hộ tham gia tổ hợp tác trồng dược liệu với diện tích 17 ha; đã và đang tiếp tục vận động 136 hộ tham gia mô hình liên kết trồng mía niên vụ 2023 - 2024 với diện tích trên 26 ha…

Bí thư Đảng ủy Nông Thị Thiệp cho biết: Thời gian tới, Đảng bộ xã tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của các tổ chức đoàn thể, nhất là trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, xây dựng xã Đăk Trăm ngày càng phát triển, sớm đạt chuẩn nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới như làn gió mới đã và đang làm thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí và sự tự lực của bà con vùng cao huyện Đăk Tô trong phát triển kinh tế, xây dựng các công trình công cộng, nhất là giao thông, thủy lợi, lắp bóng điện thắp sáng đường quê, đoàn kết gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc và nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống./.

Bài, ảnh: Đình Tăng- Nguyễn Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN