Khơi nguồn phát triển du lịch văn hóa vùng Đông Bắc
(ĐCSVN) - Để du lịch Đông Bắc phát triển, cần đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng chất lượng, hấp dẫn, mang thương hiệu đặc thù của vùng gắn với các di tích văn hóa lịch sử, cách mạng; khai thác các giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh đặc biệt của vùng… có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch
Ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn cho biết, vùng Đông Bắc bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang. Các tỉnh này có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa lịch sử - cách mạng, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng...
Đây là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời với các phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống đặc sắc. Nơi đây cũng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng với những địa danh nổi tiếng như Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn; hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang), Tây Yên Tử (Bắc Giang)… đã được đánh giá là các điểm đến thú vị, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong nước, quốc tế.
Một góc Làng văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang. |
Bên cạnh đó, Vùng Đông Bắc còn có giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, gắn với các di tích lịch sử, cách mạng như An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên); Chợ Đồn (Bắc Kạn); Tân Trào (Tuyên Quang); quần thể di tích lịch sử Pác Bó, cụm di tích Bác Hồ với chiến dịch biên giới 1950, khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng); căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn (Lạng Sơn)...
Ngoài ra, du khách khi đến nơi đây có thể tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống cộng đồng địa phương, tìm hiểu phong tục tập quán, thưởng thức các món ăn truyền thống, các làn điệu âm nhạc dân gian, những điệu múa đặc trưng của các bản làng dân tộc thiểu số... Bởi vùng núi Đông Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Dìu, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, La Chí, Pu Péo, Cờ Lao… trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam với các nhóm ngôn ngữ khác nhau: Tày – Thái, Mông – Dao, Việt – Mường, Hoa, Tạng – Miến. Các dân tộc ở Đông Bắc, dù đông người hay ít người vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống độc đáo của mình. Mỗi dân tộc đều có di sản văn hóa riêng, làm nên tính độc đáo, đặc sắc của vùng đất… Sự phát triển du lịch ở các tỉnh vùng Đông Bắc đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, tạo việc làm và sinh kế cho cộng đồng; đồng thời góp phần phát triển du lịch cả nước…
Tuy nhiên, thực tế các hoạt động phát triển du lịch ở các tỉnh vùng Đông Bắc trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Hiện phần lớn các địa phương trong vùng còn gặp nhiều thách thức trong việc xây dựng sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm đặc thù nói riêng trên cơ sở khai thác các giá trị văn hoá của địa phương. Nhiều khu du lịch, điểm du lịch văn hoá chưa được đầu tư đúng tầm dẫn đến chất lượng sản phẩm du lịch thiếu sức hút.
Cùng với đó, việc khai thác các giá trị tài nguyên đặc trưng để xây dựng sản phẩm du lịch còn thiếu tầm nhìn tổng thể nên các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp, kém hấp dẫn, chưa phát triển rõ nét các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu của mỗi địa phương và toàn vùng...
Xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa mang thương hiệu vùng Đông Bắc
Theo ông Lê Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), vùng Đông Bắc có một hệ thống di tích lịch sử cách mạng và là nơi tập trung sinh sống của các dân tộc thiểu số với một kho tàng văn hóa đặc sắc có thể liên kết tạo chuỗi giá trị chung cho toàn vùng. Vì vậy, việc xây dựng định hướng phát triển và hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh vùng Đông Bắc trong thời gian tới là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu du lịch và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế của du lịch mỗi địa phương trong vùng.
Cảnh đẹp hồ Na Hang. |
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết trong phát triển du lịch, ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, các tỉnh trong vùng Đông Bắc sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, nhất là sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa. Việc liên kết và hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng Đông Bắc có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy được các lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng và nguồn lực phát triển, đồng thời bổ sung khắc phục cho nhau những hạn chế trong phát triển…
"Thông qua việc liên kết, hợp tác sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, có chất lượng cao, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và những lợi thế trong phát triển du lịch không chỉ riêng của một tỉnh mà còn cho toàn vùng. Đối với vùng Đông Bắc, nơi mà các giá trị về tài nguyên tự nhiên và văn hóa và các điều kiện khác trong phát triển du lịch là tương đối tương đồng, do vậy việc liên kết hợp tác này càng có ý nghĩa trong việc thực hiện tốt những mục tiêu phát triển chung của toàn vùng", ông Nguyễn Đặng Ân chia sẻ.
Để du lịch Đông Bắc phát triển, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng giải pháp cần ưu tiên trước mắt đó là về đầu tư hạ tầng, kết nối các khu, điểm du lịch, đặc biệt là kết nối tới các bản làng có tiềm năng nhưng còn nhiều khó khăn. Bởi du lịch cộng đồng hiện nay là một xu thế đang phát triển trên thế giới mà các tỉnh Đông Bắc lại có nhiều tiềm năng rất lớn. Bên cạnh đầu tư hạ tầng kết nối thì cần đầu tư hỗ trợ cho đồng bào; đầu tư tôn tạo, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nâng cấp các di tích văn hóa lịch sử; quy hoạch không gian phát triển du lịch, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng các tuyến du lịch đi qua 6 tỉnh Việt Bắc và mang tính liên vùng như “Qua miền di sản Tây – Đông Bắc” kết nối 7 tỉnh Đông Bắc với 7 tỉnh Tây Bắc, với một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình. “Đây là giải pháp căn cốt để tạo ra các sản phẩm du lịch nhanh, hấp dẫn, giúp bà con nâng cao đời sống và đó cũng là cách bảo tồn văn hóa dân tộc tốt nhất” - TS Nguyễn Anh Tuấn nói./.