Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khởi nghĩa Yên Thế - bản hùng ca bất diệt! ​

Chủ Nhật, 17/03/2019 17:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bản lĩnh, tinh thần và lòng yêu nước của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế đã khắc sâu trong lịch sử và tâm trí của nhiều thế hệ người dân Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung, trở thành bản hùng ca bất diệt của dân tộc.​

Từ ngày 15 – 17/3, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế (Bắc Giang) long trọng tổ chức lễ tế, lễ dâng hương, mở hội, kỷ niệm 135 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế (16/3/1884 – 16/3/2019).

Nghi thức tế lễ trước anh linh người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám diễn trong không khí trang trọng, linh thiêng. Ảnh: Trần Tuấn

Theo sử sách ghi chép lại, Hoàng Hoa Thám thuở nhỏ tên là Trương Văn Nghĩa, quê làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, sau này di cư lên vùng Yên Thế. Năm 26 tuổi, Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa của Cai Vàng; năm 34 tuổi lại gia nhập cuộc khởi nghĩa Đại Trận, và được gọi là Đề Dương. Khi Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (11/1873) Hoàng Hoa Thám gia nhập nghĩa binh của Trần Xuân Soạn. Khi Pháp chiếm Bắc Kỳ lần thứ 2 (4/1884), ông tham gia khởi nghĩa của Cai Kinh (Hoàng Đình Kinh) ở Hữu Lũng. Cuối năm 1885, ông cùng Bá Phức trở lại Yên Thế đứng dưới cờ của Lương Văn Nắm tức Đề Nắm và trở thành một tướng lĩnh có tài. Tháng 4 năm 1892, Đề Nắm bị thủ hạ Đề Sặt sát hại, Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế, tiếp tục hoạt động, lập căn cứ ở Yên Thế và trở thành thủ lĩnh danh tiếng nhất của phong trào với biệt danh "Hùm xám Yên Thế".

Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu lịch sử, cuộc khởi nghĩa Yên Thế xem là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất trong lịch sử dân tộc ta chống thực dân Pháp, kéo dài gần 30 năm từ năm 1884 đến năm 1913, làm cho thực dân Pháp bao phen kinh hồn bạt vía.

Có thể nói, bản lĩnh, tinh thần và lòng yêu nước của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế đã khắc sâu trong lịch sử và tâm trí của nhiều thế hệ người dân Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung, trở thành bản hùng ca bất diệt của dân tộc.

Lễ hội diễn ra từ ngày 15 – 17/3. Ảnh: Trần Tuấn

Để bày tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ những công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Thế lấy ngày 15-17 tháng 3 dương lịch để long trọng tổ chức lễ hội. Việc làm này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự tri ân của thế hệ hôm nay với trời đất, các thần linh, các anh hùng nghĩa sỹ, nghĩa binh, dân binh, những người hi sinh cho đất nước và dân tộc đã một lòng trung thành, sống chết dưới cờ nghĩa của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám làm thủ lĩnh.

Năm nào cũng vậy, đúng những ngày này, cả phần lễ và phần hội kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế, tưởng nhớ thủ lĩnh anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân được diễn ra trong không khí trang trọng và linh thiêng. Đây cũng là dịp trọng đại để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Yên Thế, con cháu cụ Đề Thám cùng đông đảo du khách từ mọi miền Tổ quốc được về tề tựu đông đủ để dâng hương, lễ vật, tổ lòng thành kính, báo công người anh hùng về những thành tựu nổi bật đã đạt được trong năm qua.

Lễ hội Yên Thế được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 16/3/1984 nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Từ năm 2012, các địa điểm cuộc Khởi nghĩa Yên Thế đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia hạng đặc biệt, cùng năm Lễ hội Yên Thế được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia./.

Nam Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN