Khởi động Đề án Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao
(ĐCSVN) – Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, đề án sẽ được triển khai trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố trồng lúa tại tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh là 38.500 ha, đến năm 2030 diện tích đạt 72.000 ha.
Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh là 38.500 ha, có 78 HTX, tổ chức nông dân tham gia. |
Ngày 22/5, tại UBND xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tổ chức Lễ khởi động Đề án Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại tỉnh Sóc Trăng.
HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú, với diện tích là 50ha là HTX được lựa chọn để khởi động triển khai thí điểm.
Sóc Trăng là 1 trong 5 tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn để thí điểm cho Đề án. Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, đề án sẽ được triển khai trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố trồng lúa tại tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh là 38.500 ha, có 78 HTX, tổ chức nông dân tham gia; đến năm 2030 diện tích đạt 72.000 ha, có trên 100 hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia.
Đề án sẽ được triển khai tại các huyện: Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Kế Sách, Long Phú, Châu Thành, Trần Đề, thị xã Ngã Năm và thành phố Sóc Trăng. Đề án là cơ hội để ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục có bước phát triển, đối với nông dân là cơ hội được tiếp cận với phương pháp canh tác mới, bền vững.
Đề án sẽ thực hiện việc quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung, nằm trong vùng quy hoạch đất chuyên trồng lúa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh, đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất ít nhất 2 vụ lúa/năm hoặc có thể sản xuất 2 vụ lúa có xen canh hoặc luân canh rau màu, thủy sản đảm bảo tiêu chí xây dựng vùng lúa chất lượng cao theo đề án. Rà soát, áp dụng, hoàn thiện các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững; áp dụng các gói kỹ thuật về canh tác lúa bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu hướng đến thị trường tín chỉ…
Ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng thúc đẩy việc áp dụng quy trình tưới nước “Ngập khô xen kẽ”, giảm lượng giống gieo sạ là chìa khóa cho việc giảm phân, giảm thuốc và giảm phát thải khí carbon trong canh tác lúa; thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa đồng ruộng, ứng khoa học công nghệ tiên tiến, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững góp phần thực hiện thành công Đề án…