Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khơi dậy, truyền cảm hứng sáng tạo xứng tầm

Thứ Sáu, 26/11/2021 12:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách, là động lực then chốt phát triển kinh tế-xã hội thì rất cần một “đòn bẩy chính sách”. Đó là thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng kiến, sáng tạo, coi đây là một ưu tiên mang tính chiến lược của quốc gia lan tỏa, thấm nhuần đến truyền thống hiếu học của mỗi người Việt Nam. Trong quá trình đó phải tiếp tục khơi dậy và truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng và toàn xã hội...

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Giấy chứng nhận của Ban Chỉ đạo Sách vàng Sáng tạo Việt Nam cho các tác giả và nhóm tác giả được công bố và vinh danh trong "Sách vàng Sáng tạo Việt Nam" năm 2021. (Ảnh:TH)

Chiều qua 25/11, 76 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ tiêu biểu được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021. Sự kiện này không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội,  tôn vinh, ghi nhận những tác giả, nhóm tác giả với những công trình, giải pháp khoa học, công nghệ tiêu biểu, mà đây còn là dịp để tuyên truyền, kết nối sản phẩm sáng tạo khoa học, công nghệ vào thực tiễn cuộc sống; tiếp tục khơi dậy và truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng và toàn xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân”. Bác còn căn dặn phải “phổ biến rộng rãi những hiểu biết khoa học và kỹ thuật trong đông đảo quần chúng, thúc đẩy phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh”.

Thực hiện lời Bác, xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, trong những chặng đường đã qua, khoa học và công nghệ nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.

Đơn cử, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Khoa học và Công nghệ đã huy động các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ cấp bách và đã đạt được một số kết quả quan trọng như: Việt Nam là 1 trong 3 nước đầu tiên phân lập, nuôi cấy thành công virus; làm chủ công nghệ sản xuất bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn quốc tế; nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19, các robot, máy thở, ứng dụng công nghệ kiểm soát dịch và hỗ trợ điều trị…

Chúng ta vui mừng vì có nhiều công trình, sản phẩm khoa học, công nghệ đã đi vào cuộc sống. Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến tháng 1/2021, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng tăng từ 33,6% giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020. Tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%); tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020…

Không những thế, các công trình khoa học công bố quốc tế và sáng chế của Việt Nam ngày càng tăng. Khoảng cách về trình độ khoa học, công nghệ giữa Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng được thu hẹp; năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng.

Theo Báo cáo về xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 được tổ chức WIPO công bố mới đây, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Những “điểm sáng” này góp phần hiệu quả vào hoạt động khoa học, công nghệ, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ, tinh thần đam mê lao động sáng tạo của người Việt Nam trong thế kỷ 21.

Đóng vai trò quan trọng là vậy, song nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư cho khoa học, công nghệ của chúng ta thời gian qua vẫn còn khá khiêm tốn. Nhiều năm qua thực chi cho lĩnh vực này chỉ đạt 1,4 đến 1,85% ngân sách. So với thế giới, mức chi này có phần rất khiêm tốn và không đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định của luật. Mặt khác, cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học, công nghệ còn nặng về hành chính, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài. Chưa có chính sách hỗ trợ phát triển, tạo động lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ; bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa đạt yêu cầu…

Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định, cùng với phát triển toàn diện nguồn nhân lực; khoa học, công nghệ là một trong 3 mũi đột phá chiến lược trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh: Cần phải xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển gao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ thống sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Chủ trương của Đảng rất rõ, điều cần làm ngay lúc này là cần có những giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” còn tồn tại, tạo đà cho khoa học, công nghệ phát triển, bứt phá.

Nhiều ý kiến cho rằng, để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách, là động lực then chốt phát triển kinh tế-xã hội thì rất cần một “đòn bẩy chính sách”. Đó là thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng kiến, sáng tạo, coi đây là một ưu tiên mang tính chiến lược của quốc gia lan tỏa, thấm nhuần đến truyền thống hiếu học của mỗi người Việt Nam.

Muốn thế, cần nghiên cứu, tăng mức đầu tư cho khoa học, công nghệ. Không thể có sản phẩm chất lượng cao, nếu như khoa học, công nghệ chưa được đầu tư một cách xứng tầm. Do đó, Nhà nước cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nghiên cứu các chính sách cụ thể, đồng bộ trong thu hút, trong dụng nhân tài, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế đột phá vượt trội, các chính sách về thuế, cơ chế đầu tư mạo hiểm, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực này…

Cùng với đó, không ngừng quan tâm, khuyến khích, động viên các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tập trung sáng tạo, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm và ý tưởng có tính ứng dụng cao, thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhưng làm gì cũng vậy, điều cần quan tâm chính là đầu tư cho con người vì con người chính là trung tâm, là chủ thể sáng tạo. Bên cạnh một chiến lược dùng người để bồi dưỡng vun đắp nhân tài thì cần những chính sách để mời gọi người tài…không chỉ cho lĩnh vực khoa học công nghệ mà cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội./.

 
Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN