Khởi công công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng
(ĐCSVN) - Ngày 10-1, tại Hòa Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức lễ khởi công công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự, phát biểu chỉ đạo và phát lệnh khởi công công trình.
Thủ tướng và các đại biểu nhấn nút phát lệnh khởi công công trình. |
Cùng dự có đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường; Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; cùng lãnh đạo một số các bộ, ngành, địa phương.
Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng là một trong nhiều dự án quan trọng được khởi công vào dịp đầu năm 2021 (cùng với tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay Long Thành) là hoạt động thiết thực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thủy điện Hòa Bình - công trình thế kỷ, một nguồn điện quan trọng, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước suốt hơn 30 năm qua.
Lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank và EVN trao tặng Quỹ an sinh xã hội tỉnh Hòa Bình 1 tỷ đồng. |
Thông tin tại buổi lễ, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết thêm, công trình sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ giúp tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
“Với nhiệm vụ đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, EVN luôn chú trọng việc đầu tư các dự án nguồn và lưới điện. Với tinh thần đó, EVN cam kết sẽ quản lý tốt dự án để đưa vào vận hành đúng tiến độ. Tập đoàn cũng mong nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân để tập đoàn có thể hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng”, ông Trần Đình Nhân nói.
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Bộ Quốc phòng, đại diện Liên danh nhà thầu thi công dự án cho hay, đây là công trình có ý nghĩa kinh tế - xã hội sâu sắc, có quy mô và khối lượng công việc rất lớn, tiến độ hết sức khẩn trương, nhiều hạng mục thi công khó khăn phức tạp và theo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao, vừa thi công vừa đảm bảo an toàn cho nhà máy đang vận hành khai thác và các công trình lân cận.
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc cũng cam kết với Thủ tướng Chính phủ, với EVN, các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, sẽ tập trung nguồn lực con người, tài chính, thiết bị, tổ chức thi công chặt chẽ, khoa học, đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình; đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, để sớm hoàn thành công trình và đi vào vận hành khai thác”.
Ông Ngô Văn Tuấn, Bí thư tỉnh ủy Hòa Bình chia sẻ, địa phương kỳ vọng vào mục tiêu dự án này. Đồng thời cam kết có trách nhiệm tạo thuận lợi để thi công dự án, đặc biệt sẽ phối hợp chặt chẽ các cơ quan thực hiện giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các đơn vị, xác định rõ đây là công trình đặc biệt, do đó phải đảm bảo kỹ thuật, huy động thiết bi hiện đại nhất... đảm bảo tiến độ thi công, an toàn tuyệt đối và vệ sinh môi trường.
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Nhà máy nằm trên địa bàn phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập dâng, đập tràn với công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện nay. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62 ha; trong đó có 69,30 ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Lễ khởi công |
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những công trình thủy điện lớn trên sông Đà, gồm Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu là biểu tượng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để có được công trình đóng góp cho đất nước với tổng sản lượng gần 250 tỷ kWh, biết bao xương máu, mồ hôi đã đổ xuống (168 cán bộ, kĩ sư, trong đó có 11 cán bộ kỹ thuật Liên Xô, đã hy sinh). Thủ tướng đánh giá cao ngành điện đã vươn lên mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước khi đứng trong nhóm đầu ASEAN về sản lượng, công suất; cung cấp điện cho hơn 99,3% số hộ dân nông thôn; chỉ số tiếp cận điện năng trong 6 năm qua đã tăng 129 bậc, vươn lên vị trí 27/190 quốc gia, vùng lãnh thổ toàn thế giới.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với việc mở rộng, xây dựng thêm 2 tổ máy công suất 240 MB, nâng tổng công suất Nhà máy thủy điện Hòa Bình lên 2.400 MB, bằng công suất Thủy điện Sơn La. Như vậy, 3 nhà máy trên dòng sông Đà (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu) có tổng công suất 6.000 MB, là chuỗi nhà máy trên 1 dòng sông lớn nhất Đông Nam Á và đóng góp 30% sản lượng điện quốc gia.
Sau khi mở rộng và đi vào vận hành, Thủy điện Hòa Bình sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ phát điện, điều tiết chống lũ, cấp nước, giao thông, tăng hiệu quả khai thác, nâng cao độ tin cậy, giảm chi phí vận hành của hệ thống điện quốc gia, đồng thời góp phần giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng là một công trình lớn, phức tạp, điều kiện thi công trong lòng thành phố, khối lượng thi công lớn, phạm vi rộng. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra với EVN, Ban quản lý dự án, nhà thầu, các cơ quan liên quan là rất nặng nề. Thủ tướng đề nghị các đơn vị phát huy truyền thống tốt đẹp, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, vượt khó, nỗ lực phấn đấu hoàn thành trước thời hạn ít nhất nửa năm, đưa Nhà máy vào vận hành đầu năm 2023 để bổ sung nguồn điện quý giá cho đất nước, đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, chất lượng, tuân thủ đúng các yêu cầu quy định.
Nhân dịp này, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu với EVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan là phải bảo đảm chủ động cung ứng đủ điện cho nền kinh tế với chất lượng tốt, không được để thiếu điện cho phát triển kinh tế xã hội, phục vụ tốt nhất đời sống của nhân dân và nhiệm vụ quốc phòng an ninh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là về nhiệm vụ đảm bảo nguồn điện và cung ứng điện. “Nếu để tình trạng ‘hai tối, một sáng, hai sáng, một tối’ thì người dân không chấp nhận”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chỉ có trái tim nhiệt huyết, khát vọng vươn lên cùng bản lĩnh, niềm tin, lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, chúng ta mới có thể hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng trong thời gian tới như Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Tại lễ khởi công, lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank và EVN đã trao hợp đồng tín dụng và EVN trao tặng Quỹ an sinh xã hội tỉnh Hòa Bình 1 tỷ đồng.
Theo tiến độ dự kiến, tổ máy 1 của dự án sẽ phát điện vào quý III năm 2024, tổ máy 2 sẽ phát điện và hoàn thành công trình vào quý IV năm 2024./.