Khoảng 66% lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với rủi ro động đất
(ĐCSVN) – Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo, có tới 66% lãnh thổ và 71% dân số nước này có nguy cơ đối mặt với rủi ro động đất.
Hãng Tân Hoa xã đưa tin, phát biểu trong một sự kiện tại thủ đô Istabul vào cuối tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc chuẩn bị ứng phó với các trận động đất là điều cần thiết. Bởi về mặt điều kiện địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia luôn phải đối mặt với động đất.
“Nếu chúng ta tiếp tục sống trên vùng đất này, chúng ta không thể quên nguy cơ động đất”, ông Erdogan nói. Tổng thống Nhĩ Kỳ cũng đồng thời nhớ lại những trận động đất mạnh mà đất nước này đã trải qua. Trong đó, bao gồm trận động đất năm 1999 làm rung chuyển miền tây Thổ Nhĩ Kỳ và khiến ít nhất 17.000 người thiệt mạng.
Theo Tổng thống Erdogan, nhiệm vụ chính của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là các dự án chuyển đổi đô thị, để chống lại động đất, đặc biệt là ở thủ đô Istanbul.
Khung cảnh đổ nát sau động đất ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2/2023 (Ảnh: Anadolu/Getty Images) |
Nằm trên các đường đứt gãy đang hoạt động, Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất. Vào tháng 2 vừa qua, trận động đất với độ lớn 7,8 ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ đã cướp đi sinh mạng của hơn 50.000 người ở nước này và gần 6.000 người ở Syria. Đây là trận động đất lớn nhất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong gần một thế kỷ qua.
Trận động đất có độ lớn 7,8 với tâm chấn ở độ sâu khoảng 18km gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 60 km. Ít nhất 285 dư chấn đã xảy ra sau trận động đất này. Trong đó, 11 phút sau trận động đất 7,8 độ ban đầu, khu vực này hứng chịu một dư chấn mạnh 6,7 độ. Một trận động đất mạnh 7,5 độ xảy ra vài giờ sau đó, tiếp theo là một trận động đất mạnh 6 độ khác vào buổi chiều.
Theo các nhà địa chấn học, trận động đất mạnh 7,8 độ richter tạo ra vết nứt hơn 100 km giữa các mảng kiến tạo bán đảo Anatolia và Ả Rập. Theo báo The New York Times, năng lượng giải phóng ra từ trận động đất vào sáng 6/2 ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm.
Hầu hết các thành phố hiện đại ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là những thành phố nằm trên các đường đứt gãy lớn, đều có các quy định nghiêm ngặt về xây dựng, đảm bảo các tòa nhà không dễ sụp đổ khi động đất. Tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết các tòa nhà cao tầng được thiết kế để chống chọi với động đất. Nhưng Gaziantep – thành phố nằm gần tâm của trận động đất sáng 6/2 thì không hiện đại như Istanbul và nhiều tòa chung cư không được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn. Đây là nguyên nhân khiến nhiều tòa nhà cao tầng đổ sụp.