Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

"Khoa học và Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long"

Thứ Bảy, 20/01/2024 22:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Đó là chủ đề của tọa đàm giới thiệu Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ và TP Cần Thơ tổ chức ngày 20/01, tại TP Cần Thơ.

 Đồng chí Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.

 Tham dự tọa đàm có đồng chí Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ cùng nhiều lãnh đạo các viện, trường, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, nhưng cũng là khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế. Việc xây dựng và triển khai các giải pháp trên nền tảng khoa học và công nghệ với tầm nhìn dài hạn, bền vững nhằm thích ứng với những biến đổi khí hậu mang tính cấp thiết. Nhận thức rõ điều đó, ngày 29/12/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 3289/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Khoa học và Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long luôn được sự quan tâm cao nhất của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tổng thể về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

 Toàn cảnh tọa đàm

Để cụ thể hóa các chính sách đó, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia phục vụ cho sự phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn 2021 - 2030, nhiều chương trình đã và sẽ được thực hiện, trong đó nổi bật là Chương trình “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học vào chương trình này, đặc biệt là các nhà khoa học hiện đang công tác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chịu tác động trực tiếp cũng như am hiểu sâu về vùng đất này.

Phát biểu tại Tọa đàm, các nhà khoa học đều thống nhất cao cần phải có kịch bản khoa học và dài hơi đối với vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp lớn: Truyền thông thay đổi, nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhằm giảm thiểu các hành động gây tổn thương đến môi trường; Thúc đẩy hợp tác quốc tế, liên kết vùng để tận dụng tối đa tài nguyên chất xám của các nhà khoa học trong và ngoài nước hiến kế cho phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

GS,TS, Anh hùng lao động Võ Tòng Xuân cho rằng, cần có sự quy hoạch, có các giải pháp mang tính “thuận thiên” để chúng ta có thể “sống chung” với biến đổi khí hậu. GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh, việc nỗ lực đi ngược với sự biến đổi của tự nhiên sẽ khiến chúng ta mất nhiều sức người, sức của mà kết quả lại không cao. Đơn cử như, nếu cứ cố gắng “ngọt hóa” các vùng nước mặn để mở rộng diện tích trồng lúa, chúng ta sẽ làm mất cân bằng sinh thái vùng, khi nơi bị điều phối nước ngọt sẽ bị hụt nguồn nước ngọt; nơi có nguồn nước mặn vẫn sẽ không thể thuận lợi trồng lúa như vùng nước ngọt bình thường. Thay vào đó, chúng ta hãy nghĩ tới những giải pháp khoa học công nghệ, nghiên cứu ra những giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với xâm nhập mặn, hạn hán…

 Các nhà khoa học trao đổi tại tọa đàm.

Đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Là thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi hội tụ các chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo địa phương mong muốn các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thuộc những lĩnh vực ưu tiên của địa phương cũng như toàn vùng như: Các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; Các mô hình, công nghệ, giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học; Các giải pháp kỹ thuật thích ứng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở đất, lún mặt đất, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ chất lượng môi trường đất, nước, không khí.

Đồng thời, cần ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp thông minh; tuyển chọn, lai tạo, sản xuất giống mới có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tác động của thượng nguồn sông Mekong và phù hợp tiểu vùng sinh thái; ứng dụng công nghệ, vật liệu mới nhằm phát triển đô thị thông minh, kiến trúc xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.

 Đồng chí Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nêu một số giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu tại TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Phát triển hệ thống giao thông thủy thông minh, hệ thống cấp nước và ngăn mặn thông minh; hệ thống dự báo sụt lún tức thời cho các vùng quan trọng và nhạy cảm với sụt lún và sạt lở. Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn, mô hình, giải pháp ứng dụng văn minh sinh thái trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó góp phần đưa Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng kinh tế trọng điểm, văn minh, sinh thái mang đậm bản sắc văn hóa sông nước của cả nước, hội nhập khu vực và quốc tế./.

Tin, ảnh: Ánh Tuyết

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN