Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khoa học công nghệ góp phần phát triển nông nghiệp

Thứ Ba, 13/07/2021 15:18 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Khoa học công nghệ được ứng dụng trong ngành nông nghiệp, cùng với sự vào cuộc của các địa phương đã góp phần đổi mới và đóng góp hiệu quả vào phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ảnh minh họa: BL

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt, Bộ đang hoàn thiện tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia, sắp xếp lại các chương trình quốc gia và đề xuất các giải pháp đổi mới cách thức triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia để đạt hiệu quả nhất, thuận lợi nhất.

Theo đó, đối với các nhiệm vụ địa phương phải đánh giá để đề xuất cách triển khai mới nhằm tăng hiệu quả; khai thác kết quả những dự án hiện có để ứng dụng cho địa phương thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho rằng, những thành tựu khoa học và công nghệ của ngành nông nghiệp đã đóng góp chung vào thành tựu của ngành khoa học và công nghệ, cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung. Bên cạnh đó, nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, làm tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp đưa Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản, nhiều nông sản Việt Nam đã có mặt trên các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao, nâng cao đời sống nông dân và làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Tuy nhiên, dư địa và nguồn lực phát triển ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều, thời gian tới cần ưu tiên tập trung vào nhiệm vụ đặc thù và sản phẩm chủ lực của địa phương để khẳng định giá trị thương hiệu nông sản Việt trong nước cũng như xuất khẩu.

Để khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ KH&CN sẽ ưu tiên nguồn lực để tập trung nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thực hiện thí điểm hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn - lĩnh vực đặc thù nên cần sự ưu tiên đặc biệt, trong đó chú trọng nhiệm vụ đặc thù, sản phẩm chủ lực của địa phương.

Ứng dụng KH&CN phát triển kinh tế địa phương

Theo Bộ KH&CN, để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp nhiều địa phương đang đẩy mạnh ứng dụng KH&CN để thực hiện mục tiêu sản xuất và chế biến, tiêu thụ nông sản, nhất là hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh.

Có thể thấy, tại Bến Tre, việc ứng dụng KH&CN đã giúp nhiều sản phẩm dừa của tỉnh tăng giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Dừa Bến Tre từng bước nâng tầm thế giới. Những năm trước đây, công nghệ và thiết bị ngành công nghiệp chế biến dừa của Bến Tre còn thô sơ, sản xuất hoàn toàn bằng thủ công, trình độ chỉ ở mức thấp đến trung bình. Các sản phẩm chế biến từ dừa có giá trị thấp, gặp khó khăn khi gia nhập vào thị trường xuất khẩu.

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 182 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động đa dạng. Một số ngành chính như chế biến vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa, nước dừa chiếm 28,52% tổng số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 9.500 lao động.

Theo Sở KH&CN tỉnh Bến Tre, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực. Việc nhập nội nguồn gen cây dừa và bình tuyển cây đầu dòng đã cung cấp nhanh số lượng lớn các cây dừa giống đủ tiêu chuẩn, cây giống đã thích nghi tự nhiên với các điều kiện sinh thái.

Đối với các vùng trồng dừa và các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ dừa, được hỗ trợ kinh phí xây dựng, áp dụng và chứng nhận lần đầu tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP.

Còn tại Tiền Giang, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng KH&CN vào khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây là môt trong những bước đi quan trọng của tỉnh. Tiền Giang có lợi thế về sản xuất nông nghiêp, trọng điểm là cây ăn trái. Do vây, viêc lựa chọn chiến lược đầu tư và thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây là hướng đi phù hợp và được triển khai thực hiện nhiều năm qua. Đến nay, Tiền Giang có khoảng 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động, với công suất trên 47.000 tấn/năm.

Để tận dụng và phát huy tối đa các tiềm năng sẵn có của tỉnh và gắn tái cấu trúc công nghiệp với tái cơ cấu nông nghiệp, trong thời gian tới Tiền Giang tiếp tục tập trung thu hút các doanh nghiệp công nghiệp chế biến trái cây đầu tư vào tỉnh.

Về lâu dài, tỉnh Tiền Giang sẽ thực hiên liên kết để hình thành vùng nguyên liệu lớn vừa phát huy hiệu quả của khoa học công nghệ, vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu với số lượng lớn, đáp ứng cho công nghiệp chế biến; hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn nguyên liệu đầu vào mang tính ổn định và bền vững cho công nghiệp chế biến…/.

BL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN