Khó như... chứng minh thiệt hại oan, sai!
(ĐCSVN) – Việc bồi thường cho người bị oan đã được quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Tuy nhiên, giữa Luật và thực tiễn cuộc sống đang có độ “ vênh”, đặc biệt là chế định bắt người bị oan phải chứng minh thiệt hại.
Ông Huỳnh Văn Nén trả lời báo chí sau khi được cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận
xin lỗi vào ngày 3/12/ 2015. (Ảnh: MINH HẢI)
Sau 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã giải quyết được 204 vụ với tổng số tiền bồi thường trên 111,149 tỷ đồng, còn lại hơn 50 vụ đang tiếp tục giải quyết.
Vụ yêu cầu bồi thường cho một công dân bị oan lớn nhất thời điểm này là vụ án oan đối với ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận. Ông Huỳnh Văn Nén - người được báo chí gọi là “người tù thế kỷ”, với hai lần bị kết án oan về tội giết người.
Giống như nhiều vụ oan, sai khác, khi ông Huỳnh Văn Nén bị “đáo tụng đình”, việc mà gia đình ông phải làm là tìm mọi cách để ông được minh oan, chứ tuyệt nhiên không biết đến việc đi kêu oan phải lưu giữ những thứ nhỏ nhất như: Vé tàu xe, hóa đơn nhà trọ, ...
Được minh oan sau hơn 17 năm ngồi tù, ông Nén được về đoàn tụ với gia đình với hai bàn tay trắng, hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn, nay càng cơ cực hơn...
Thực thi quyền của người bị oan, ông Nén vừa gửi đơn đến Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị bồi thường 18 tỷ đồng. Trước ông Nén, ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị tù oan 10 năm đã được bồi thường 7,2 tỷ đồng.
Sau khi nghiên cứu đơn yêu cầu bồi thường, Tòa án yêu cầu ông Nén cung cấp hóa đơn, chứng từ để chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra.
Yêu cầu người bị oan chứng minh thiệt hại bằng hóa đơn, chứng từ là việc làm quá khó, nếu không muốn nói là khó “mò kim đáy biển”.
Nhưng ở góc độ quản lý, chi tiêu ngân sách, Nhà nước không thể chi tiền một cách đơn giản (dù biết rằng sau đó, những công chức làm oan người vô tội phải có nghĩa vụ hoàn trả lại tiền bồi thường cho Nhà nước), yêu cầu bao nhiêu bồi thường bấy nhiêu.
Nói như thế không có nghĩa là, nếu ông Nén không có hóa đơn, chứng từ thì không được bồi thường. Việc bồi thường cho ông Nén được thực hiện theo hai giai đoạn. Đầu tiên, ông Nén và TAND tỉnh Bình Thuận sẽ ngồi lại với nhau thỏa thuận về các khoản bồi thường, mà không lệ thuộc hoàn toàn vào hóa đơn, chứng từ. Sau đó, ông Nén có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường, nếu trước đó thỏa thuận không thành.
Để không làm khó người bị oan khi yêu cầu bồi thường, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước nên xem xét, sửa đổi theo hướng, chuyển nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thuộc về Nhà nước, còn người bị oan chỉ cần thống kê thiệt hại. Ngoài ra, các thiệt hại phát sinh, kể cả chi phí phát sinh trong quá trình đi kêu oan, thiệt hại về tiền lãi, tài sản hình thành trong tương lai, cũng cần được quy định cụ thể trong luật.
Với những người bị tù oan, thì tiền bạc và mọi giá trị vật chất khác không phải là cái đem ra quy đổi. Vấn đề lớn nhất mà họ cần sau khi được minh oan là cách ứng xử thế nào cho thấu lý, đạt tình và đừng bắt họ phải qua nhiều "cửa ải" mới được nhận tiền bồi thường!