Khánh Hoà: Thúc đẩy phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) - Khánh Hòa là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Khánh Hoà có 28 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (gồm 20 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 5 xã khu vực I); có 66 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK); có 3 dân tộc gặp nhiều khó khăn theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg, ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Dân tộc Raglai, dân tộc Ê-đê và dân tộc Cơ Ho (T’rin).
Trong Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 15/01/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hoà ban hành kèm theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ lệ huy động trẻ dân tộc thiểu số ra lớp trong độ tuổi nhà trẻ 15%; tỷ lệ mẫu giáo dưới 5 tuổi đến trường 82%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 99,5%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 99,95%, học trung học cơ sở trên 98%, học trung học phổ thông và trung cấp nghề trên 70%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 98%.
Tại buổi gặp mặt khen thưởng học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đạt thành tích trong quá trình học tập (tổ chức ngày 13/1/2023 - PV), ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khẳng định, Khánh Hòa là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Học sinh Trường Tiểu học Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa phấn khởi bước vào năm học mới 2023 - 2024 (Ảnh: CTV) |
Ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, tỉnh thực hiện tốt chế độ trợ cấp kinh phí đi học cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số ngay từ khi học mẫu giáo đến khi học xong đại học.
Đơn cử như với bậc học mầm non, căn cứ khoản 2, Điều 4, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ về chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã ban hành Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2021 quy định: Cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non là 3.070.000 đồng/tháng/45 trẻ, số dư từ 20 trẻ em trở lên được tính thêm một lần mức hỗ trợ. Mỗi cơ sở giáo dục mầm non được hưởng không quá 05 lần mức hỗ trợ nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm học. Mức quy định này của tỉnh cao hơn mức quy định trong Nghị định số 105 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hoà còn được hỗ trợ chi phí học tập. Ở bậc học mầm non, mức hỗ trợ mỗi em là 290.000 đồng/tháng; bậc tiểu học là 260.000 đồng/tháng… Năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đã dành hơn 121,5 tỷ đồng để hỗ trợ tiền ăn, học bổng, nhà ở, miễn giảm học phí, chi phí học tập… cho học sinh thuộc hộ nghèo, khuyết tật, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thầy Huỳnh Tấn Lộc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh phấn khởi nói, nhờ những sự hỗ trợ này đã phần nào giúp các em học sinh dân tộc thiểu số không phải bỏ học giữa chừng. Mức hỗ trợ tuy không lớn nhưng giúp nhà trường và gia đình học sinh đạt được hai mục tiêu. Một là nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì sĩ số học sinh. Trẻ em không còn phải theo cha mẹ lên rẫy, lên rừng mà được tới trường học bán trú, được ăn những bữa trưa no, ngon miệng, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, nâng cao thể chất. Hai là, với các gia đình dân tộc thiểu số, đây cũng là một giải pháp góp phần giảm nghèo thông qua việc tiết giảm các chi phí xung quanh việc đi học của con cái.
Theo bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, nhờ có chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh dân tộc thiểu số của tỉnh, các bậc cha mẹ có thể yên tâm khi con mình tới trường được ăn cơm, được học tập, được chăm sóc tốt, trong khi bản thân có thể dành thêm thời gian đi làm để tăng thu nhập.
Phát triển giáo dục - đào tạo góp phần nâng cao dân trí là yếu tố thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội nói chung, vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Ở Khánh Hoà, nhờ chính sách hỗ trợ học tập giàu tính nhân văn, những học sinh dân tộc thiểu số nơi đây đang được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đến trường học tập, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn./.