Khánh Hòa: Tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các chương trình MTQG
(ĐCSVN) - Việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do chỉ tiêu cấp trên giao chưa phù hợp với thực tế địa phương; mục tiêu lớn, thời gian thực hiện ngắn, nội dung chính sách áp dụng nhiều văn bản khác nhau nên khó áp dụng vào thực tế…
Bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Mã Phương |
Đây là những vấn đề được chỉ ra khi Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Khánh Hòa thực hiện giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” tại huyện Khánh Vĩnh, TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm…
Báo cáo việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã cho thấy, ước thực hiện đến ngày 31/12/2023 thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 19 triệu đồng/người/năm, tăng 1,36 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6%; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất dân sinh được đầu tư tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, nâng cao trình độ cho đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó giúp bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều thay đổi, đời sống đồng bào được nâng cao, phát triển.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến tháng 9/2023, có 2/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung là 11,3 tiêu chí/xã. Năm 2023, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ước thực hiện giảm nghèo đa chiều ở huyện Khánh Sơn là 7,32%, huyện Khánh Vĩnh là 7,72%.
Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại các công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, gồm công trình đầu tư cơ sở vật chất cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cam Ranh (tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh) có tổng mức đầu tư gần 14,5 tỷ đồng, hiện đang được nghiệm thu; và công trình đầu tư đường trung tâm xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm) có tổng mức đầu tư hơn 6,2 tỷ đồng, đã nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng đã khảo sát việc xây dựng, lắp đặt các pa nô, băng rôn tuyên truyền về các chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại xã Sơn Tân.
Tại huyện Khánh Vĩnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc triển khai tương đối thuận lợi, đến nay địa phương đã cơ bản giải ngân xong tổng vốn đầu tư của năm 2023 là hơn 12,4 tỷ đồng.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc qia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đến nay vẫn còn thấp so với kế hoạch năm 2023; địa phương đang gặp một số vướng mắc liên quan đến việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân; giao khoán bảo vệ rừng khi thực hiện dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị…
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú TP. Cam Ranh. Ảnh: H.Lăng |
Qua khảo sát cho thấy, việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do chỉ tiêu cấp trên giao chưa phù hợp với thực tế địa phương; các chương trình đề ra mục tiêu lớn, thời gian thực hiện ngắn, nội dung chính sách áp dụng nhiều văn bản khác nhau nên khó áp dụng vào thực tế; công tác phối hợp giữa một số sở, ngành và các địa phương trong việc triển khai các chương trình chưa chặt chẽ; công tác theo dõi, tổng hợp, báo cáo các dự án, tiểu dự án của các sở, ban, ngành và các địa phương chưa đầy đủ, kịp thời; công tác tuyên truyền, phổ biến các Chương trình MTQG, các chính sách dân tộc còn hạn chế…
Để việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt hiệu quả cao nhất, bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa đề nghị địa phương nghiên cứu, gắn kết việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nhằm thực hiện hiệu quả đồng thời cả 3 chương trình; đồng thời cần có sự phối hợp tốt với các sở, ngành của tỉnh để được hướng dẫn kịp thời các khó khăn vướng mắc khi triển khai các chính sách hỗ trợ, các dự án của 3 chương trình./.