(ĐCSVN) - Với nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã xuất sắc vượt qua 3 kỳ tái đánh giá tư cách thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, khẳng định vai trò quan trọng trong định hướng cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội vùng cao nguyên đá, đặc biệt là kinh tế du lịch, tạo sinh kế cho người dân vươn lên giảm nghèo bền vững.
Cao nguyên đá Đồng Văn trải dài trên địa phận 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. |
Được thành lập vào tháng 9/2009, cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích 2.356km² trải dài trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Bên cạnh những giá trị địa chất, địa mạo, tính đa dạng sinh học cao, nơi đây còn hội tụ nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc cùng những nét văn hóa truyền thống lâu đời của cộng đồng 17 dân tộc sinh sống trên vùng cao nguyên đá. Chính nhờ những giá trị hiện hữu đó, ngày 3/10/2010, cao nguyên đá Đồng Văn chính thức được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, trở thành Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên ở Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á.
Trải qua 14 năm xây dựng và phát triển, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn đã xuất sắc vượt qua 3 kỳ tái đánh giá thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào năm 2014, 2018 và năm 2022, khẳng định vai trò quan trọng trong định hướng cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội vùng Cao nguyên đá, đặc biệt là kinh tế du lịch, tạo sinh kế cho người dân vươn lên giảm nghèo bền vững, đồng thời mở ra hướng phát triển bền vững dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, các di sản độc đáo về địa chất...
Địa danh Núi Đôi Quản Bạ (thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ) |
Đến với Hà Giang ngày nay, cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn không thể thiếu đối với mỗi du khách, góp phần quan trọng trong việc định vị thương hiệu du lịch Hà Giang trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước. Chia sẻ về những kết quả đạt được, đồng chí Hoàng Xuân Đôn, Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn cho biết, tỉnh đã đầu tư xây dựng hàng trăm hồ chứa nước sinh hoạt cho người dân, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên cao nguyên đá Ðồng Văn. Tất cả các xã, thị trấn trên cao nguyên đá đều có đường nhựa đến trung tâm. Hệ thống đường giao thông thường xuyên được tôn tạo, tu sửa, mở mới nhằm phục vụ công tác trật tự, an ninh biên giới, phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch; 100% số thôn, xã biên giới đã có điện lưới quốc gia. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, kinh tế du lịch phát triển mạnh, các ngành nghề dịch vụ tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, an ninh trật tự được bảo đảm đã đưa Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Ðồng Văn có những bước phát triển hiệu quả.
Một góc Làng văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn - địa danh tiêu biểu cho văn hóa truyền thống người Mông ở Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Tháo gỡ các "điểm nghẽn" để phát triển đúng tầm
Để có được những kết quả quan trọng đó, trong những năm qua tỉnh Hà Giang đã tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, từ đó thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội, phát triển du lịch bền vững.
Tỉnh đã cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, quy hoạch lại hệ thống các bãi đỗ xe; tổ chức sơn lại vạch trên đường, hè, gọn gàng, vệ sinh; sắp xếp khu vực bán hàng, dịch vụ tại một số điểm di sản; hoàn thành việc sửa chữa, duy tu nhỏ, dọn vệ sinh, chuẩn hóa công tác vận hành hệ thống 45 điểm di sản của các tuyến du lịch. Cùng với đó, chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh tại các điểm du lịch, di sản, danh thắng, trung tâm các xã, thị trấn và dọc đường quốc lộ 4C; sửa chữa, nâng cấp Trạm thông tin du khách tại các huyện Quản Bạ, Yên Minh và Mèo Vạc; triển khai thu thập bổ sung mẫu vật, hiện vật các giá trị văn hóa, địa chất đặc trưng trên vùng Công viên địa chất để trưng bày và giới thiệu tới khách du lịch.
Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” trở thành đòi hỏi bức thiết, vừa nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn”, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của vùng Công viên địa chất nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung. Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Giang, để tạo bước phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trước hết phải có một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, hiệu quả và an toàn. Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông phải đảm bảo vừa bảo tồn giá trị Công viên địa chất vừa phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Công viên địa chất.
Kết quả cho thấy, toàn tuyến quốc lộ 4C trải dài qua 4 huyện vùng Cao nguyên đá đến nay cơ bản đã đạt cấp IV miền núi với tổng chiều dài 200km. Trong những năm qua, tuyến đường này đã được nâng cấp, cải tạo, cắt cua hạ dốc giảm tầm nhìn, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. Trên toàn tuyến đã được thảm bê tông nhựa 39km/200km còn lại là láng nhựa, dự kiến đến hết năm 2025 tuyến QL.4C sẽ được thảm bê tông nhựa hoàn toàn. Ngoài việc đầu tư tuyến QL.4C đi vào vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, hiện nay tỉnh đang triển khai thi công cải tạo, nâng cấp, sửa chữa QL.34, tuyến đường tỉnh ĐT.176 (đường Yên Minh - Mậu Duệ - Mèo Vạc), tuyến đường đi cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng từ Km160+500, QL.4C xã Pả Vi đi mốc 456 xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc và tuyến đường tỉnh ĐT.176B (Minh Ngọc - Mậu Duệ) nối huyện Bắc Mê với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn qua các xã Minh Sơn, Du Già…. đi qua các điểm du lịch trải nghiệm đang được cộng đồng yêu thích và muốn chinh phục.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm việc tại Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Đa dạng các hình thức thu hút du lịch
Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Tỉnh chú trọng phục dựng, bảo tồn một số lễ hội dân gian truyền thống các DTTS vùng cao nguyên đá như Lễ hội Nàng Hai (gọi trăng) dân tộc Tày” ở xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh; Lễ Mừng thọ dân tộc Nùng ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ; Lễ hội múa kiếm dân tộc Giáy tại xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc. Cùng với đó, xây dựng và bảo tồn kiến trúc các làng văn hóa du lịch truyền thống. Trên vùng CVĐC hiện có 06 làng văn hóa du lịch cộng đồng, 01 Khu nghỉ dưỡng H’Mong Village và 01 làng văn hóa du lịch cộng đồng xây dựng mới thôn Pả Vi. Các công trình kiến trúc này đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du lịch, trong đó có một số homestay thôn Nặm Đăm và khu nghỉ dưỡng H’Mong Village được công nhận tiêu chuẩn ASEAN.
Tỉnh cũng tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của mạng lưới CVĐC toàn cầu; liên kết, mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia nằm trong mạng lưới CVĐC toàn cầu nhằm xây dựng, bảo tồn và phát triển bền vững Công viên địa chất. Hiện nay có 07 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động và triển khai các dự án trên khu vực CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Tăng cường, mở rộng hợp tác với các CĐVC trong và ngoài nước; ký kết biên bản hợp tác với 03 CVĐC về phối hợp, trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật xây dựng CVĐC.
Nhiều hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ các giá trị di sản Công viên địa chất được tỉnh triển khai, trong đó nổi bật là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng tổng thể cho các trường học trên vùng Công viên địa chất với chủ đề “Đưa di sản vào trường học - Đưa học sinh ra tiếp cận thực tế di sản”; tuyên truyền sâu rộng tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; đẩy mạnh việc tuyên truyền quảng bá, giới thiệu hình ảnh về Công viên địa chất nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng cùng chung tay bảo vệ di sản và xây dựng Công viên địa chất. Phát động các cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, liên hoan, hội diễn sân khấu hóa nhằm tuyên truyền và tôn vinh giá trị di sản… Hoạt động xúc tiến quảng bá về Công viên địa chất cũng được đổi mới, tiếp cận công nghệ góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Cao nguyên đá Hà Giang. Nhờ đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về Công viên địa chất được nâng cao; các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng được bảo tồn và phát huy; hình thành và đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn.
Nhiều sản phẩm du lịch mới được xây dựng và đưa vào khai thác thu hút đông đảo du khách đến với Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Đảm bảo tốt nhất các điều kiện dịch vụ
Ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, BCH Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh Hà Giang đã coi việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn theo hướng phát triển du lịch dịch vụ bền vững là một trong những công việc quan trọng, đi kèm theo đó là nhiệm vụ thúc đẩy công cuộc phát triển nông thôn mới, đi đôi với giảm nghèo cho khu vực. Xây dựng nơi đây trở thành một vùng đất biên cương phát triển giàu mạnh về kinh tế, ổn định về an ninh quốc phòng, tiến bộ về các mặt văn hóa xã hội là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Hà Giang quyết tâm thực hiện.
Để phục vụ công tác phát triển du lịch, UBND tỉnh Hà Giang cho biết, đã giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào một cách ổn định, lâu dài và bền vững, góp phần tạo cảnh quan môi trường sinh thái, tạo điều kiện phát triển du lịch đối với Công viên địa chất. Trên khu vực Công viên địa chất hiện có 94 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, 57 công trình cấp nước tự chảy, 02 công trình cấp nước bằng bơm động lực; 34 công trình cấp nước hồ treo; 01 công trình cấp nước trường học, trạm y tế. UBND các huyện đang tiếp tục cải tạo, đưa vào sử dụng có hiệu quả hệ thống hang động trên vùng Công viên địa chất như động Lùng Khúy, huyện Quản Bạ; hang Nà Luông tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn và xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh. Phát huy hiệu quả hoạt động các Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới và dược liệu trên cơ sở lồng ghép bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách. Phát triển hệ thống đối tác của Công viên địa chất với 52 cơ sở thuộc các loại hình: kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, homestay…) và Hợp tác xã sản xuất sản phẩm địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP.
Dốc Thẩm Mã kéo dài từ địa phận xã Vần Chải lên xã Lũng Thầu, huyện Đồng Văn, được xem như cầu nối giúp du khách ghé thăm nhiều điểm du lịch hấp dẫn trên cung đường Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn. |
Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch, hướng dẫn viên du lịch và hướng dẫn viên có trình độ ngoại ngữ, các tuyên truyền viên cơ sở, phát triển nguồn nhân lực du lịch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch. Xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn, phát triển các làng văn hóa du lịch, nghề truyền thống (làng văn hóa du lịch Lô Lô Chải, làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm, xã Sủng Là...) gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm từng bước nâng cao thu thập cho người dân.
Đặc biệt, công tác phối hợp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên vùng Công viên địa chất toàn cầu được các địa phương quan tâm gìn giữ và phát huy. Với chủ trương “lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa”, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa được cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân chú trọng thực hiện, từ đó tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân. Đồng chí Hoàng Xuân Đôn, Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn cho biết, các làng văn hóa du lịch được xây dựng theo tiêu chuẩn ASEAN (Làng Nặm Ðăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ) hoặc theo mô hình kiểu mẫu (Xây dựng làng văn hóa du lịch kết hợp nghỉ dưỡng theo kiến trúc truyền thống của đồng bào địa phương) nhằm phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của vùng Cao nguyên đá - tích hợp các yếu tố truyền thống kết hợp dịch vụ. Ngoài ra, xây dựng các đội văn nghệ quần chúng với hạt nhân là nghệ nhân các dân tộc Công viên địa chất biểu diễn phục vụ du khách, vừa giữ nét văn hóa truyền thống không bị mai một, vừa cải thiện thu nhập cho người dân.
Giải Marathon quốc tế “Chạy trên cung đường Hạnh Phúc” tỉnh Hà Giang lần thứ III, năm 2019 |
Định vị thương hiệu du lịch vùng Cao nguyên đá
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, từ năm 2015 đến hết năm 2022, khoảng 65% du khách đến với Hà Giang đều lựa chọn thăm quan khu vực Công viên địa chất. Lượng khách du lịch đến với cao nguyên đá Đồng Văn cũng tăng dần qua các năm, nếu như năm 2018 có trên 1 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng; năm 2019 có trên 1 triệu 400 lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt 1.500 tỷ đồng; năm 2020 có trên 1 triệu 500 lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt trên 1.600 tỷ đồng thì đến năm 2021 có trên 1 triệu 700 lượt du khách với doanh thu đạt gần 2.000 tỷ đồng, năm 2022 có trên 2 triệu 200 lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 4.500 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, Cao nguyên đá Đồng Văn đã và đang trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến với Hà Giang, qua đó đã góp phần quan trọng định vị thương hiệu du lịch Hà Giang, đưa Hà Giang nhiều lần nằm trong danh sách những điểm đến lý tưởng được các Tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn và gần đây nhất, tỉnh Hà Giang đã vinh dự được nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” của giải thưởng Du lịch Thế giới - World Travel Awards lần thứ 30 khu vực Châu Á và Châu Đại Dương.
Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng du lịch của Hà Giang đạt 16% đối với khách quốc tế và 17,6% đối với khách trong nước. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Hà Giang vẫn đón hơn 908 nghìn lượt khách, tổng doanh thu từ khách du lịch hơn 1.630 tỷ đồng.
Theo đồng chí Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, tính đến hết năm 2022, khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 2,2 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt 4.536 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.418.000 lượt người, ước tính đến hết năm 2023, du khách đến Hà Giang khoảng 3 triệu lượt, đạt 100% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Bà Tình khẳng định, du lịch phát triển đã góp phần thay đổi rõ nét diện mạo kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tỷ lệ giảm nghèo 4 huyện vùng cao nguyên đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang luôn đạt trên 6%/năm, cao hơn 1-2% so với mức giảm nghèo bình quân chung của tỉnh.
Nằm dưới chân những ngọn núi tai mèo hiểm trở của Hà Giang, dòng sông Nho Quế quanh năm êm đềm chảy giữa những vách đá, tạo thành một đường biên giới màu xanh biếc giữa đèo Mã Pí Lèng và đường Săm Pun. |
Vẫn còn nhiều việc phải làm...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng và phát triển Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2018-2022 diễn ra mới đây, các chuyên gia tư vấn của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO đã thẳng thắn đưa ra một số khuyến cáo như: tình trạng xâm hại di sản, khai thác đá trái phép, xây dựng các công trình dự án, nhà ở dân dụng… vi phạm các quy hoạch phát triển vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, xâm hại di sản. Dịch vụ du lịch chưa mang tính chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, sản phẩm hàng hóa lưu niệm du lịch chưa phong phú, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư.
Cũng theo các chuyên gia, Hà Giang cần quan tâm, hỗ trợ công tác khoanh vùng bảo tồn mới; ban hành các quyết định để bảo đảm cho công tác bảo tồn phù hợp về mặt pháp lý. Thiết lập hệ thống phản ứng nhanh tại các địa phương để tiếp nhận thông tin và can thiệp ngay từ đầu đối với các hành vi vi phạm công tác bảo tồn. Hoàn thiện các quy định, chính sách hỗ trợ về xây dựng trong vùng Công viên địa chất, bảo đảm bảo tồn kiến trúc truyền thống hài hòa với cảnh quan. Quan tâm bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể thông qua việc xác định rõ các giá trị văn hóa của từng dân tộc để triển khai công tác bảo tồn, gắn với truyền dạy cho thế hệ trẻ…
Tiếp thu những khuyến cáo của các chuyên gia, nhà khoa học, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định, tỉnh Hà Giang phấn đấu giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn qua các kỳ tái đánh giá, đồng thời hoàn thành các tiêu chí và khuyến nghị của các chuyên gia. Hà Giang cam kết tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế du lịch, tạo sinh kế cho người dân vươn lên giảm nghèo bền vững. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thành một khu du lịch với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2030 đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch Quốc gia.