Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định số 78/2023/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước

Thứ Năm, 12/09/2024 14:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 7/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước. Nội dung của Nghị định 78/NĐ-CP nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong giai đoạn mới.

Qua gần 18 năm hoạt động, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự ủng hộ của các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan Trung ương và địa phương để VDB thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. VDB đã từng bước thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, khẳng định vai trò vừa là định chế tài chính nhà nước, vừa là ngân hàng chính sách của Chính phủ (mô hình Ngân hàng Phát triển); và là công cụ của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định.

Cho vay ưu đãi các dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng và giảm tải tuyến cuối.

Dự án bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương (Ảnh Hải Trần)

Lượng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cung ứng cho nền kinh tế đã đáp ứng một phần quan trọng yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế. Những dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại VDB có tổng mức đầu tư lớn, thời gian đầu tư và thu hồi vốn kéo dài. Việc tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước giúp chủ đầu tư đủ sức thực hiện nhiều dự án lớn, quan trọng (như Thuỷ điện Sơn La, Thuỷ điện Lai Châu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Vệ tinh Vinasat 1 và 2, Đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Nhà máy sữa TH Truemilk, Nhà máy Khí điện đạm Cà Mau…) và nhiều dự án thuộc các chương trình kinh tế trọng điểm và các chương trình mang tính xã hội khác (xây mới, mở rộng cơ sở khám chữa bệnh của 18 bệnh viện công; kiên cố hoá kênh mương, tôn nền vượt lũ, giao thông nông thôn...).

VDB đã cho vay gần 200 dự án trọng điểm (nhóm A) trên phạm vi cả nước, trong đó hầu hết các dự án đều thuộc lĩnh vực công nghiệp cơ bản (xi măng, thép, điện, giấy, phân bón, chế biến cao su, cơ khí, vệ tinh viễn thông) với tổng số vốn vay chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư, tác động tích cực đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền và cả nước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. VDB thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đã có tác động mạnh mẽ, tích cực đến các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, góp phần đem lại hiệu quả thiết thực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới; các chương trình, dự án lớn và sản phẩm trọng điểm đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và của cả nước. Việc cho vay các dự án tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn hay nhiều dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản… góp phần tác động tích cực đến sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế các vùng, miền và cả nước. Nhiều dự án đã hoàn thành phát huy hiệu quả; nâng cao đời sống nhân dân, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị - xã hội các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Cùng với việc thực thi chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu Nhà nước, VDB còn thực hiện nhiệm vụ cho vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; qua đó đã giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh, tranh thủ thời cơ mở rộng và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp giữ vững thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới và tiềm năng, góp phần hỗ trợ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, mở rộng quan hệ đối tác chiến lược, tình hữu nghị với các nước trên thế giới theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ trong hợp tác kinh tế và quan hệ giữa Việt Nam và các nước.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, chặng đường phát triển những năm qua của VDB cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, trong đó nổi bật là chất lượng tín dụng chưa cao và thâm hụt tài chính chậm được cải thiện. Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ cả những vướng mắc về cơ chế chính sách, sự thiếu hụt về nguồn lực cũng như kinh nghiệm để vận hành VDB như một ngân hàng chính sách của Chính phủ. 

Được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, của Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ, ngành, Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương tiếp tục cơ cấu lại VDB giai đoạn 2023 - 2027; từ chủ trương quan trọng này, hàng loạt cơ chế, chính sách sẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ban hành hoặc điều chỉnh nhằm tháo gỡ những vướng mắc về hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động VDB, từ đó nâng cao hiệu quả của các chính sách tín dụng mà Nhà nước giao VDB thực hiện.

Ngày 7/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến điều kiện cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đã được Chính phủ điều chỉnh nhằm khắc phục các bất cập đã nảy sinh trong quá trình thực hiện Nghị định số 32/2017/NĐ-CP; đồng thời tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước phù hợp với Phương án cơ cấu lại, định hướng hoạt động của VDB giai đoạn 2023 - 2027 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 28/10/2023. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được kỳ vọng sẽ trở nên thuận tiện hơn đối với khách hàng có dự án đầu tư thuộc danh mục được Chính phủ quy định. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước được sớm đưa vào cuộc sống.

Hoạt động của VDB trong giai đoạn 2023 - 2027 hướng tới mục tiêu tiếp tục củng cố và phát triển mô hình hoạt động của một ngân hàng chính sách, từng bước nâng cao chất lượng tín dụng, cải thiện tình hình tài chính, nâng cao khả năng tự chủ để phát triển hiệu quả và bền vững, góp phần ngày càng nhiều hơn vào việc hỗ trợ hoạt động đầu tư phát triển của nền kinh tế. Đây cũng là một tiền đề quan trọng nhằm mở rộng quy mô cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đầu tư phát triển của nền kinh tế phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 thông qua thực hiện 03 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng khóa XIII đã chỉ ra là hoàn thiện đường lối thể chế; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng.

Trong bối cảnh đó, cùng với việc tiếp tục thực hiện các công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hệ thống VDB cần tập trung trí tuệ và nguồn lực để triển khai có hiệu quả một số công việc trọng tâm:

Một là: Tích cực làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động của VDB (cơ chế xử lý rủi ro, điều lệ tổ chức và hoạt động…) trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành trên cơ sở Nghị định số 78/2023/NĐ-CP và Quyết định số 90/QĐ-TTg;

Hai là: Báo cáo các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ phí quản lý của VDB cũng như thanh toán các khoản chi từ ngân sách Nhà nước cho VDB (bổ sung vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý…);

Ba là: Hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình và văn bản quản trị nội bộ theo huớng tiệm cận với chuẩn mực ngân hàng thương mại và sẵn sàng đưa vào thực hiện ngay khi các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động của VDB được ban hành;

Bốn là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý và thu hồi nợ nhằm giảm nhanh quy mô và tỷ lệ nợ xấu, lành mạnh hoá danh mục cho vay và từng bước đưa các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động tín dụng của VDB tiến dần đến chuẩn mực chung về hoạt động ngân hàng để thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Năm là: Rà soát cơ cấu lại tổ chức bộ máy và có những điều chỉnh cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành.

Sáu là: Làm tốt công tác tuyển dụng cũng như đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và xây dựng cơ chế lương, thưởng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.

Bảy là: Đầu tư xứng đáng cho việc nâng cao năng lực của cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống thông tin, nhằm hỗ trợ tốt cho việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ theo mô hình ngân hàng thương mại.

Để hoàn thành những công việc quan trọng này, bên cạnh sự ủng hộ của các cơ quan quản lý Nhà nước, tập thể cán bộ, người lao động VDB sẽ không ngừng nỗ lực, đoàn kết với ý chí và quyết tâm xây dựng VDB thành ngân hàng chính sách của Chính phủ chuyên nghiệp và hiệu quả. 

Từ những bài học đã đúc kết được trong quá trình triển khai hoạt động tín dụng chính sách của Nhà nước, cùng với sự chung tay, góp sức của đội ngũ cán bộ và người lao động từ Hội Sở chính đến các Chi nhánh và Sở Giao dịch, tin tưởng rằng VDB sẽ sớm đạt được các mục tiêu đặt ra, xứng đáng là một công cụ của Chính phủ góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước./.

Lê Văn Hoan Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN