Khẩn trương khắc phục, giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra
(ĐCSVN) - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài lưu ý các lực lượng theo dõi kỹ diễn biến tình hình đê điều. Thường trực Thành uỷ, UBND thành phố luôn "bám sát" để chỉ đạo. Khi nước rút, các huyện khẩn trương chỉ đạo, ổn định sớm cuộc sống cho người dân, khắc phục, giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cùng các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội nghe báo cáo tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện Chương Mỹ. |
Chiều 29/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã đi thăm, động viên và kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, ảnh hưởng của Bão số 2 và mưa lũ trên địa bàn 2 huyện Chương Mỹ và Quốc Oai.
Tham gia Đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Xây dựng một chương trình/dự án tổng thể để đưa ra giải pháp khắc phục mang tính bền vững
Cùng với việc kiểm tra, thị sát, Bí Thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã nghe Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức báo cáo công tác ứng phó với lũ lụt trên địa bàn.
Theo báo cáo, do ảnh hưởng của bão số 2, từ 7 giờ ngày 22/7 đến 11 giờ ngày 29/7, lượng mưa đo được trên địa bàn là gần 374 mm. Mưa lũ đã khiến hơn 5,5 km đê thuộc địa bàn 11 xã (Hồng Phong, Quảng Bị, Phú Nghĩa, Tốt Động, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Trần Phú) bị ngập; 37 m đê bị sạt lở… 24 thôn, xóm bị ngập, trong đó có 1.239 hộ dân bị ngập từ 0,5 - 2 m, 1.231 hộ bị ngập lối đi; hơn 2.000 m tường bao bị đổ.
Diện tích lúa bị thiệt hại từ 30% đến trên 70% là 1.123 ha. Diện tích cây ngô, rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% là 327 ha. Diện tích cây ăn quả bị ngập từ 30% đến trên 70% là 213 ha. Diện tích thủy sản bị thiệt hại trên 70% là 1.022 ha; bị thiệt hại từ 30 - 70% là 162 ha. Ngoài ra, hơn 77.100 mét vuông chuồng trại bị ngập; gần 187.000 gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng.
Về công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả, lực lượng chức năng đã huy động hơn 4.700 người và 199 phương tiện tham gia. Tổ chức cấp phát hơn 1.500 bình nước uống (loại 20 lít) và 50 thùng mì tôm tại các vùng ngập nặng; lắp đặt téc và cung cấp nước sạch tập trung tại 10 điểm; bố trí 1 trạm y tế lưu động trên địa bàn xã Nam Phương Tiến...
Tại huyện Quốc Oai, tổng lượng mưa do ảnh hưởng của bão số 2 từ ngày 22 - 29/7/2024 là 479mm. Đến 11 giờ ngày 29/7/2024, trên địa bàn huyện ngập 789ha diện tích cây trồng nông nghiệp. Nhiều tuyến đường vẫn trong tình trạng ngập. Ngày 24/7/2024 tuyến đê hữu Đáy có 4 sự cố sạt trượt mái đê…
Đối với thiệt hại về tài sản, 1 công trình xây dựng người dân xã Phú Mãn đã bị sập do sạt lở đất, gồm có nhà ở 1 tầng, diện tích khoảng 160m2, công trình phụ diện tích khoảng 230m2 và không có thiệt hại về người.
Đối với công tác hỗ trợ, bảo đảm đời sống người dân, UBND huyện, MTTQ huyện và các đoàn thể đã hỗ trợ 119 suất trong đó mỗi suất gồm 10kg gạo, mỳ tôm 5 thùng, nước uống 5 thùng 20 lít. Đối với hộ dân bị sập do sạt lở đất tại xã Phú Mãn, UBND huyện đã hỗ trợ 30 triệu…
Để khắc phục những khó khăn trên, huyện Chương Mỹ đề nghị TP giao Sở NN&PTNT chủ trì cùng UBND huyện Chương Mỹ cùng với các huyện Thạch Thất, Quốc Oai và đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng một chương trình/dự án tổng thể để đánh giá đưa ra giải pháp khắc phục mang tính chất lâu dài và bền vững.
Ngoài ra, đề nghị TP giao Sở NN&PTNT chủ trì cùng Ban quản lý dự án Hạ tầng Nông nghiệp Hà Nội và UBND huyện Chương Mỹ rà soát các công trình đê điều, thủy lợi do TP quản lý để có phương án đầu tư xây dựng, nâng cấp cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án do Ban quản lý dự án đang triển khai xây dựng trên địa bàn huyện Chương Mỹ…
Phải đặt tính mạng của người dân lên hàng đầu
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đồng chí lãnh đạo TP động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai). |
Tại cuộc kiểm tra, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài biểu dương và đánh giá cao tinh thần chủ động trong chống lũ lụt của lãnh đạo các huyện cũng như lực lượng chức năng trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội biểu dương tinh thần chủ động các huyện đã huy động tốt phương châm “4 tại chỗ” cùng với sự tham gia chung sức của người dân trong ứng phó với mưa lũ. Đồng chí, lưu ý do điều kiện khách quan và khả năng lũ lụt còn tăng cường trong thời gian tới, vì vậy việc ứng phó sự cố nếu "quá sức", huyện nên báo cáo kiến nghị ngay để thành phố có hỗ trợ.
Đối với huyện Chương Mỹ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, vẫn còn hơn 1.000 hộ dân đang ở trong vùng lũ, huyện cần tính toán kỹ và tiếp tục sơ tán để đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.
“Nếu trường hợp không vận động được phải báo cáo các sở, ban, ngành để tiến hành yêu cầu người dân di chuyển. Phải đặt tính mạng của người dân lên hàng đầu”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Đồng chí lưu ý, đối với 4,8km đê nguy cơ suy yếu trên địa bàn, huyện Chương Mỹ phải khảo sát kỹ và báo cáo kịp thời lãnh đạo thành phố, bám sát tình hình để tập trung chỉ đạo, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng người dân.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng lưu ý các lực lượng theo dõi kỹ diễn biến tình hình đê điều. Thường trực Thành uỷ, UBND thành phố luôn "bám sát" để chỉ đạo. Khi nước rút, các huyện khẩn trương chỉ đạo, ổn định sớm cuộc sống cho người dân. Đồng thời, quan tâm công tác vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh…
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các huyện phân công lực lượng chức năng ứng trực 24/24 để xử lý kịp thời các sự cố do mưa lũ, không để bị động trước các tình huống nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản của người dân. Đồng thời cho biết, chiều 30/7, Thường trực Thành ủy sẽ họp với các ngành để có sự phối hợp, giúp huyện Chương Mỹ, Quốc Oai khắc phục, giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra./.