Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khai thác thủy sản thích ứng an toàn trong tình hình mới

Thứ Hai, 25/10/2021 14:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến hoạt động khai thác thủy sản, ngành thủy sản đã áp dụng linh hoạt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm chuỗi cung ứng khai thác thủy sản an toàn, hiệu quả, thích ứng trong tình hình mới.

 Bảo đảm chuỗi cung ứng khai thác thủy sản an toàn, linh hoạt trong tình hình mới. (Ảnh: Lê Sen)

COVID-19 tác động mạnh tới chuỗi khai thác thủy sản

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tổng sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 2,917 triệu tấn tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng cá ngừ, mực và các loài cá nổi chiếm khoảng 60%. Sản lượng khai thác ở ngư trường Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 40%, sản lượng khai thác ở vùng biển vịnh Bắc Bộ và Tây Nam Bộ tiếp tục có xu hướng giảm.

Do tác động của việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhiều tàu cá phải ngừng sản xuất, nằm bờ. Theo thống kê của các tỉnh, số lượng tàu cá ngừng không đi khai thác chỉ tính trong 3 tháng là 43.200 tàu, tương đương 4,6% cường lực khai thác, (tháng 7 khoảng 9.800 tàu; tháng 8 là 19.700 tàu, tháng 9 là 13.700 tàu) các tàu ngừng sản xuất làm giảm sản lượng khai thác trong 3 tháng khoảng 186.000 tấn trong năm 2021. Các tỉnh, thành phố có số lượng tàu nằm bờ nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 gồm: Đà Nẵng 1.680/1.830 chiếc (chiếm 91,8%); Bà Rịa-Vũng Tàu 3.252/5.025 chiếc (chiếm 64,72%); Khánh Hòa 3.269/5.580 chiếc (chiếm 58,58%); Trà Vinh 540 chiếc/1.196 chiếc (chiếm 45,15%).

Tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản cả về số lượng và chất lượng, khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ do không đủ lao động để đi biển. Tính đến tháng 9/2021, cả nước có khoảng 1 triệu lao động trực tiếp trên các tàu cá. Cùng với tác động của dịch COVID-19, số lượng lao động trực tiếp trên tàu cá càng khan hiếm, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản ở nhiều địa phương. Hiện số lượng lao động làm việc trên tàu cá được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 còn thấp, ước đạt khoảng 25%.

Dịch bệnh COVID-19 còn tác động sâu đến chuỗi tiêu thụ thuỷ sản, doanh nghiệp không tiêu thụ được làm cho giá bán sản phẩm giảm 15-20% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó còn nhiều khó khăn như: Cơ sở hậu cần nghề cá; việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thuỷ sản, nhất là trong bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước cải thiện nhưng còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Năm 2021 là một năm ghi nhận giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây, trong đó giá dầu Diesel tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch bệnh còn tác động sâu đến chuỗi tiêu thụ thuỷ sản, doanh nghiệp không tiêu thụ được làm cho giá bán sản phẩm giảm 15 - 20% so với cùng kỳ. Bên cạnh nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tàu nằm bờ không đi khai thác còn do một số nguyên nhân khác như: Năng suất khai thác trung bình thấp, giá nhiên liệu tăng, việc thu mua, vận chuyển thủy sản gặp khó khăn do thực hiện giãn cách, thiếu lao động do hạn chế đi lại của thuyền viên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương…

Thích ứng an toàn trong tình hình mới

Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2021 với sản lượng khai thác biển đạt khoảng 3,657 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD, trong quý 4 năm 2021, ngành thủy sản phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động và ngư dân, đưa chuỗi hoạt động khai thác thủy sản ở các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới.

Ngành khai thác thủy sản cần tuyên truyền và hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển và có chính sách khuyến khích hoạt động khai thác ở các vùng biển xa, chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch bệnh COVID-19. Cùng với đó, cần ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho các lao động, ngư dân làm việc trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản để duy trì hoạt động sản xuất trên biển.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước, các biện pháp phòng chống dịch tại các cảng, vận chuyển, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm đã được áp dụng linh hoạt theo tình hình thực tiễn, không làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhu cầu thị trường tiêu thụ thủy sản tăng mạnh, đặc biệt thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh các tỉnh, thành cần quan tâm nâng cấp hạ tầng thủy sản; nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống khai thác bất hợp pháp; chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các chỉ đạo về phòng chống khai thác bất hợp pháp và tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC); xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không lắp thiết bị giám sát hành trình, ngắt kết nối và vi phạm vùng biển nước ngoài... Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, tín hiệu thị trường, giá thủy sản đang ở mức cao đặc biệt là tôm là cơ hội để ngành thủy sản vượt khó, về đích đạt mục tiêu cả về sản lượng và xuất khẩu trong năm nay.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau thì cho rằng bên cạnh chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19, cần có kế hoạch hành động cụ thể nâng cao hiệu quả phòng chống khai thác bất hợp pháp (IUU) gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC); ngăn chặn hiệu quả tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. "Tập trung các biện pháp kiểm soát dịch an toàn linh hoạt để đạt được hiệu quả cũng phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, điều kiện năng lực hạ tầng thủy sản của mỗi nơi để có các biện pháp linh hoạt, vừa hỗ trợ lao động trong đại dịch, vừa sàng lọc, sắp xếp lại nguồn lao động nào phù hợp do khai thác thủy sản cho nuôi trồng, chế biến" - ông Lê Văn Sử nêu rõ.

Để hoạt động khai thác thủy sản an toàn, thích ứng an toàn, phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Tổng cục Thủy sản yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp gồm: tổ chức sản xuất; hoàn thiện thể chế, chính sách và thực thi pháp luật cũng như quy định phòng, chống dịch trong tình hình mới. Trong đó, tập trung đảm bảo an toàn phòng dịch trong quá trình tổ chức sản xuất trên biển, tại các cảng cá và các cơ sở thu mua, chế biến. Tiếp tục triển khai các chính sách trong lĩnh vực khai thác thủy sản và chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch bệnh COVID-19. Áp dụng linh hoạt các giải pháp phòng chống dịch bệnh để đảm bảo chuỗi cung ứng khai thác thủy sản an toàn, hiệu quả, đặc biệt đảm bảo an toàn dịch bệnh tối đa cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản hoạt động bình thường.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang tác động lớn đến hoạt động khai thác thủy sản, để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm, thời điểm hiện nay, việc xác định các giải pháp để thích ứng an toàn với tình hình mới, vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất hiệu quả đang là bài toán đặt ra cần sự chung tay của các cấp, ngành cho lĩnh vực này.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Mai Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN