Khai hội truyền thống Bạch Đằng năm 2021
(ĐCSVN) - Sáng 18/4, tại đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà (phường Yên Giang), TX Quảng Yên đã long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống Bạch Đằng năm 2021, nhân kỷ niệm 1083 năm (938-2021), 1040 năm (981-2021) và 733 năm (1288-2021) Chiến thắng Bạch Đằng.
Nghi lễ rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo |
Đây là hoạt động nằm trong chương trình kích cầu du lịch của Quảng Ninh; chào mừng Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội lần thứ XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Tham gia lễ khai mạc, các đại biểu đã tiến hành dâng hương, gióng trống khai hội và cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử oanh liệt 3 lần chiến thắng quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng của dân tộc; đồng thời thưởng thức chương trình nghệ thuật sử thi với chủ đề “Bạch Đằng - Bản anh hùng ca của dân tộc”, tái hiện không khí hào hùng của chiến trận năm xưa.
Lễ hội Bạch Đằng năm nay được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, do UBND TX Quảng Yên chủ trì tổ chức. Cùng với lễ khai hội còn có nhiều hoạt động được tổ chức gắn với các hoạt động kích cầu, thu hút khách du lịch, như: Triển lãm Tranh, ảnh thời sự, nghệ thuật; Triển lãm hình ảnh Bảo vật Quốc gia; Triển lãm thư pháp tại Khu trung tâm di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, từ ngày 15 đến 21/4/2021. Các trò chơi dân gian như: Cờ người, cờ thẻ, kéo co và các chương trình nghệ thuật cũng được tổ chức phục vụ người dân và du khách tại khu di tích từ trước, trong và sau những ngày lễ hội, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân cùng du khách gần xa.
Nghi lễ rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo theo cung đường từ đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà rước về đình Yên Giang, tạo thành một đoàn rước lớn kéo dài trên các tuyến phố của TX Quảng Yên; tế “Yết” tại đình Yên Giang theo nghi lễ truyền thống…
Sông Bạch Đằng, dòng sông đã đi vào lịch sử với 3 lần làm nên những chiến thắng vĩ đại trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Năm 938, Ngô Quyền đã chỉ huy quân dân ta đánh tan quân xâm lược Nam Hán, kết thúc 1000 năm Bắc thuộc, khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước. Lần thứ hai, năm 981, dưới sự chỉ huy của Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn, quân và dân ta đã đánh bại quân xâm lược nhà Tống, bảo vệ vững chắc bờ cõi nước nhà. Lần thứ ba, vào mùa xuân năm 1288, quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng với hai vua Trần đã tiêu diệt, bắt sống toàn bộ đạo binh thuyền hùng mạnh của quân xâm lược Nguyên Mông do Ô Mã Nhi chỉ huy trên đường rút lui, góp phần bảo vệ vững chắc đất nước trước sự bành trướng của đế chế Nguyên Mông khi đó.
Lễ hội truyền thống Bạch Đằng được tổ chức hàng năm, nhằm tri ân những cống hiến, hy sinh của các bậc tiền nhân, tiếp tục khẳng định ý nghĩa và giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Bạch Đằng trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Không gian tổ chức lễ hội – khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng với 11 điểm di tích tại TX Quảng Yên và TP Uông Bí đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt từ năm 2012; được phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị từ năm 2013.
Những năm qua, từ sự quan tâm của trung ương, của tỉnh, nhiều di tích nằm trong quần thể đã được trùng tu, tôn tạo và trở thành điểm tham quan hấp dẫn như: Đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, Bến đò cổ, đình Trung Bản, đền Trung Cốc, đình Yên Giang... Hiện nay, tỉnh đã dành nguồn lực và giao TX Quảng Yên chủ trì tiếp tục triển khai công tác đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích từ các nguồn vốn khác nhau để đẩy nhanh tiến độ đối với các hạng mục của dự án nhằm phát huy giá trị của di tích và lễ hội với phát triển du lịch. Đồng thời, lập hồ sơ để vinh danh Lễ hội truyền thống Bạch Đằng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những giá trị đặc biệt của khu di tích ở trong và ngoài nước…