Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết

Thứ Hai, 06/09/2021 15:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được đặt ra tại Phiên họp mở rộng của Ủy ban Pháp luật để thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội năm 2021, sáng 6/9.

Báo cáo tình hình thi hành Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2021, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác xây dựng thi hành pháp luật và cải cách thủ tục hành chính. Các văn bản được ban hành đảm bảo đúng thẩm quyền, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản đảm bảo tính thống nhất. Công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng nhất là những lĩnh vực có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao nhận thức của cơ quan có thẩm quyền trong việc chấp hành kỷ luật ban hành văn bản.

Bên cạnh đó, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết đã từng bước được khắc phục nhưng đến nay vẫn còn nợ 08 văn bản. 

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: TH. 

Theo nhóm nghiên cứu của thường trực Ủy ban Pháp luật, việc tổ chức thi hành pháp lệnh, nghị quyết trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, việc áp dụng pháp luật có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ, thống nhất. Đáng chú ý, tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn diễn ra chiếm 60,44%, trong đó có văn bản nợ lâu nhất gần 2 năm và văn bản chậm ban hành nhất là Nghị định.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nhận định, việc trình dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo các dự án Luật, pháp lệnh mang tính hình thức, chưa đầy đủ và lường hết tình huống phát sinh, do đó ảnh hưởng đến tiến độ ban hành văn bản. 

Nghị quyết 67/2013/QH13 của Quốc hội đã yêu cầu xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Tuy nhiên, cần có giải pháp để đôn đốc, tăng cường, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật nhằm tránh “bệnh nhờn thuốc” và bảo đảm phát huy hiệu quả trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ. Đi cùng với đó là tăng cường giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.

Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh cũng đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành; khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực chuyên môn, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ công chức làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật.

Nhất trí về các nhiệm vụ giải pháp Chính phủ đề ra, một số ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo việc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các luật được thực thi nghiêm túc, đi vào cuộc sống.

Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 3, dự kiến khai mạc vào ngày 13/9 tới./.

Thu Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN