Khắc phục tình trạng lợi dụng khoảng trống pháp lý để trục lợi đất đai
(ĐCSVN) – Phải tránh tình trạng nông dân không còn tư liệu sản xuất, không có việc làm, thu nhập sau khi chuyển nhượng đất trồng lúa cho các tổ chức kinh tế; khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo với đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công; doanh nghiệp làm đô thị phải chia sẻ, hài hòa lợi ích cho người dân bị mất đất…
Đó là những ý kiến phát biểu tại Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 15/9 thu hút sự tham gia của gần 3.500 đại biểu tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tránh tình trạng nông dân không còn tư liệu sản xuất
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân. |
Nêu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ đất đai, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp, phát huy nguồn lực từ đất đai, song cũng còn một số vấn đề cần trao đổi, thảo luận để hoàn thiện.
Cụ thể, quy định tại Điều 147 đã cụ thể hóa được giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam góp ý cần làm rõ nội dung “nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch” bởi vì khi cho phép “sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ” tức là diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm do một phần đất nông nghiệp đã chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp. Như vậy vấn đề “đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch” ở đây được hiểu như thế nào trong khi diện tích đất nông nghiệp giảm do chuyển sang “xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ”.
Mặt khác, theo bà Cao Xuân Thu Vân, quy định tại Điều 214 cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân. Quy định này là phù hợp và đã cụ thể hóa được tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Mở rộng đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp” cũng như Nghị quyết số 20-NQ/TW về “... khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp...”.
Vấn đề đặt ra là cần quy định cụ thể về “đối tượng tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng” và “điều kiện được nhận chuyển nhượng” để vừa thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển vừa đảm bảo ổn định cuộc sống của nông dân, tránh tình trạng nông dân không còn tư liệu sản xuất, không có việc làm, thu nhập sau khi chuyển nhượng đất trồng lúa cho các tổ chức kinh tế.
Cần bổ sung, làm rõ quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp.
Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, Việt Nam đang áp dụng kinh tế thị trường để thực hiện công nghiệp hoá, kinh tế tư nhân đang đóng vai trò động lực phát triển, chuyển dịch đất đai đang diễn ra rộng khắp và phức tạp. Trong hoàn cảnh này, một khái niệm tương tự “đất công” và “đất tư” như ở các nước khác cần được đặt ra.
GS.TS Đặng Hùng Võ nhận định, ở Việt Nam, đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công thường không được các cơ quan quản lý đất đai đặt thành trọng tâm. Chính vì vậy mà nguồn lực công sản bị rơi vào hoàn cảnh dễ dàng bị tham nhũng, lãng phí. Để khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo này, cần bổ sung vào Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp.
Đi sâu phân tích thêm, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, các quy định của pháp luật không chỉ liên quan đến pháp luật đất đai, mà liên quan tới cả pháp luật ngân sách. Sự sắp xếp lại việc sử dụng nhà đất thuộc tài sản công có kết quả là phần nhà đất công dôi dư sẽ mang lại nguồn thu ngân sách rất lớn, đó là hệ quả tài chính và phải được coi như một nguồn thu từ đất, phải được định giá thành tiền để đưa vào nguồn thu ngân sách nhà nước.
“Điều khó khăn mà Việt Nam chưa vượt qua được vẫn là việc giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích công và lợi ích tư trong quá trình chuyển đổi” - GS.TS Đặng Hùng Võ nêu thực tế và đề xuất, việc sửa đổi Luật Đất đai cần có quan tâm đặc biệt tới quá trình giải quyết chuyển dịch từ quyền tài sản công đối với quyền sử dụng đất về thỏa mãn nhu cầu các nhà đầu tư tư nhân, nhưng Nhà nước phải thu đầy đủ quyền tài sản đó. Luật Đất đai sửa đổi cần quan tâm tới việc luật hóa Nghị định 67/2021/NĐ-CP có bổ sung cho hợp lý.
Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, đất đai, hơn bất kỳ thứ gì, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đa số nhân dân. Nhưng tiếng nói của nhân dân trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có phần mờ nhạt. Theo Điều 29 về quyền công dân đối với đất đai, công dân có 03 quyền: quyền tham gia đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất, đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá, đấu thầu,…. quyền nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn ….; quyền tiếp nhận các thông tin về đất đai.
GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam. |
“Các quyền dân chủ trực tiếp của công dân như quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai chưa được quy định hoặc quy định quá chung chung, không cụ thể; công dân không thực hiện được. Công dân thực hiện các quyền của mình vừa trực tiếp vừa thông qua tổ chức của mình cũng chưa được quy định đầy đủ” - GS.TS Trần Ngọc Đường nêu.
Vì vậy, GS.TS Trần Ngọc Đường đề xuất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung vào mục 3 Chương II: quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai bao gồm những quyền gì? Quyền khiếu nại, tố cáo về đất đai trong những trường hợp nào? Quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân về đất đai của MTTQ Việt Nam thực hiện như thế nào? Đồng thời, bổ sung vào Chương IV: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: MTTQ Việt Nam các cấp giám sát và phản biện xã hội việc lập quy hoạch và kế hoạch; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp mình.
Người dân được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để xây dựng đô thị
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, bà Trịnh Thị Thanh Bình, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật MTTQ tỉnh Bến Tre nhận định việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có thu hồi đất để thực hiện khu đô thị được ghi trong Luật Đất đai năm 2013 đã mở ra việc phát triển đô thị. Tuy nhiên, trong thực tế tình trạng thu hồi đất để thực hiện các dự án này rất phức tạp.
Bà Bình nêu thực tế, có những vùng người dân đã sinh sống ổn định nhưng nhiều doanh nghiệp lại "vẽ" ra dự án đô thị. Điều đó dẫn đến việc nhiều gia đình bị di dời, gây lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực tài nguyên môi trường. Hay như việc thu hồi đất đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đô thị gây nguy cơ mất an ninh lương thực và nhiều hệ luỵ khác…
Bà Trịnh Thị Thanh Bình, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre. |
Để khắc phục tình trạng này, bà Bình kiến nghị việc thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại trong dự thảo Luật cần cụ thể hơn nữa theo đúng tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW. Bởi cứ quy định chung chung thì sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng các khoảng trống pháp lý để các nhóm lợi ích lợi dụng, không đem lại nguồn lợi cho ngân sách Nhà nước, cho sự phát triển đô thị mà người dân lại thiệt thòi.
Cùng vấn đề trên, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu thực trạng nếu để doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận giá đền bù đất cũng đã nảy sinh nhiều bất cập, méo mó trong chính sách đất đai.
Cụ thể, có nhiều dự án, chủ đầu tư nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp trước khi dự án được phê duyệt. Hay việc chênh lệch giá bán đất đô thị với tiền đền bù đất nông nghiệp rất nhiều lần gây bức xúc trong nhân dân…
Do đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu phương án góp vốn bằng quyền sử dụng đất để làm dự án xây nhà ở thương mại, khu đô thị. Và khi các đơn vị liên quan đã thoả thuận chuyển nhượng được trên 90% diện tích của dự án thì nhà nước có chế tài cụ thể với số còn lại. “Được đề xuất, tôi sẽ nêu phương án người dân được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để xây dựng đô thị, khu nhà ở thương mại. Nếu không nhất trí góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì nhà nước thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư, bồi thường theo quy định”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu…/.