Khắc phục các quy định chồng chéo, bất cập, kìm hãm sự phát triển
(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu cần phát huy vai trò, trách nhiệm của thành viên thường trực Ban chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, nhằm kịp thời khắc phục các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn, kìm hãm sự phát triển.
Ngày 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2024 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu.
Hội nghị do đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TL |
Bộ Tư pháp xếp thứ nhất về Chỉ số cải cách hành chính
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 1) trong số các bộ, ngành được đánh giá.
Trong 06 tháng đầu năm, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo tăng cường các cuộc họp, chỉ đạo trực tuyến; rà soát tổng thể, ban hành Danh mục báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ; thực hiện cải cách hành chính và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO trong việc thực hiện công tác chuyên môn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), hoàn thiện Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo quyết liệt.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: TH |
Bên cạnh đó, công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và có nhiều đổi mới. Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc lập đề nghị, trình Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV; trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều dự án quan trọng do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo (Luật Thủ đô, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng…).
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được xác định là giải pháp chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã hoàn thành nhiệm vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất, lộ trình xử lý VBQPPL để thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân theo yêu cầu của Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ; triển khai giải pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. 63/63 địa phương đã cung cấp dịch vụ công (gồm: đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử; đăng ký kết hôn) trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh/thành phố, kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; đồng thời triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử...
Đối với công tác thi hành án dân sự, trong 09 tháng đầu năm 2024 (thời gian tính theo tháng kế tiếp tháng tổng kết của năm liền trước), toàn Hệ thống thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong gần 404.000 việc, tăng 21.711 việc (tăng 5,68% so với cùng kỳ năm 2023); đạt tỉ lệ 65,24% với hơn 73.000 tỷ đồng; tăng hơn 2.736 tỷ đồng (tăng 3,89% so với cùng kỳ năm 2023), đạt tỉ lệ 27,6% (giảm 4,86% so với cùng kỳ năm 2023).
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các kết quả đạt được cũng như chỉ ra các khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện trong công tác thi hành án; tổ chức triển khai Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; giải pháp để triển khai số hóa sổ hộ tịch; các điều kiện cần thiết để thi hành Luật Đấu giá tài sản…
Tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả nhiệm vụ công tác tư pháp
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả mà Bộ, ngành Tư pháp đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.
Để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Bộ Tư pháp rà soát các chương trình, kế hoạch công tác, tập trung nguồn lực tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác tư pháp; quán triệt, triển khai thi hành kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của cơ quan nhà nước cấp trên mới ban hành; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức Hội nghị quán triệt các luật, nghị quyết được ban hành.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả mà Bộ, ngành Tư pháp đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: TH |
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của thành viên thường trực Ban chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về rà soát, xử lý VBQPPL nhằm kịp thời khắc phục các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn, kìm hãm sự phát triển; chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thu hút, huy động sự quan tâm, hỗ trợ của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Trong công tác thi hành án, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị toàn hệ thống THADS tiếp tục cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra; chủ động trong xử lý công việc; tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cấp ủy đảng với các bộ, ngành, địa phương khi giải quyết vụ việc cụ thể, phức tạp; nghiên cứu giải pháp, báo cáo lãnh đạo Bộ để xử lý dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng.
Về phía cơ quan tư pháp địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị phải bám sát chương trình công tác, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ đạo chuyên môn của Bộ, ngành; đặc biệt cần tập trung hơn vào công tác góp ý cho chùm Nghị định liên quan đến Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản; quan tâm hơn nữa đến công tác số hoá giấy tờ trong lĩnh vực tư pháp…/.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật (tương đương so với cùng kỳ 2023); các địa phương ban hành 1.528 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cấp tỉnh, 1.038 VBQPPL cấp huyện và 810 VBQPPL cấp xã. |