Khắc ghi Lời thề độc lập
(ĐCSVN) - 79 năm đã trôi qua nhưng bản Tuyên ngôn độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn còn nguyên giá trị. Chân lý vĩ đại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành mục tiêu, động lực và khát vọng thúc đẩy cả nước chung tay đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu) |
Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam triệu người như một đã vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử vàng chói lọi nhất của dân tộc Việt Nam, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đồng chí trong Ủy ban dân tộc giải phóng từ Tân Trào về Hà Nội, chuẩn bị bản Tuyên ngôn độc lập và tổ chức cuộc mít-tinh lớn ở Hà Nội để Ủy ban giải phóng dân tộc ra mắt nhân dân và tuyên bố thành lập chính thể dân chủ cộng hòa.
Đúng 14 giờ ngày 2/9/1945, các thành viên của Chính phủ lâm thời bước lên lễ dài. Bài Tiến quân ca vang lên hùng tráng, lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên... Trong không khí trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do ra đời.
Lễ đài Độc lập trên Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) do kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh thiết kế năm 1945. (Ảnh tư liệu) |
Tuyên ngôn độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu và phổ biến "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do", "Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được".
Không chỉ là một văn kiện lịch sử có giá trị tư tưởng và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, Tuyên ngôn độc lập còn là kết tinh của bao nhiêu máu, nước mắt và tính mạng của những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh để đất nước “nở hoa độc lập, kết trái tự do".
Kể từ đó, Ngày Độc lập 2/9 hàng năm đã trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Suốt 79 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lời thề độc lập với tư tưởng bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn vang vọng, thôi thúc bao thế hệ người Việt Nam đoàn kết đồng lòng, muôn người như một, đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dân tộc Việt Nam đã kiên cường, anh dũng trải qua các cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, ác liệt, với sự hy sinh của hàng triệu người con ưu tú để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ Đổi mới, với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, một lần nữa Nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khó để xóa đói, giảm nghèo, lạc hậu và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện.
Quảng trường Ba Đình hôm nay (Ảnh: Thế Dương) |
Sau 79 năm thực hiện Lời thề độc lập, ngày hôm nay chúng ta vô cùng tự hào vì từ một vùng đất chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế. Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (P5), các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế.
Có được những thành tựu vĩ đại sau 79 năm thành lập nước, được sống trong hòa bình và thịnh vượng, mỗi người dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do mà mỗi người dân đang được thụ hưởng. Chúng ta càng biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc; của các bậc tiền bối, của hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và nghĩa vụ quốc tế cao cả…
Khắc ghi Lời thề độc lập, chúng ta càng ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu, lao động, sáng tạo, nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng đến kỷ niệm 80 năm giành độc lập, 50 năm thống nhất đất nước, quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.