Kết quả ứng dụng năng lượng nguyên tử chưa tương xứng với đòi hỏi của thực tiễn
(ĐCSVN) – Mặc dù các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử đã có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kết quả ứng dụng năng lượng nguyên tử ở nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, triển vọng và đòi hỏi của thực tiễn.
Ứng dụng NLNT mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội
Theo báo cáo Bộ KH&CN, Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã quan tâm đến phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì vai trò quan trọng của ứng dụng năng lượng nguyên tử đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tiềm lực quốc gia. Bên cạnh sự phát triển về tiềm lực và hoàn thiện thể chế, thời gian qua các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử đã có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể.
Một trong những thành tựu nổi bật là trong y tế với việc phát triển mạng lưới các cơ sở X-quang đã triển khai tới tuyến huyện. Cả nước hiện có 48 cơ sở y học hạt nhân với hơn 40 thiết bị xạ hình (đạt tỷ lệ khoảng 0,4 thiết bị/1 triệu dân); 46 cơ sở xạ trị được trang bị gần 100 thiết bị (đạt tỷ lệ 1 thiết bị/1 triệu dân) trong cả nước. Nhiều kỹ thuật hiện đại đã được thực hiện thành công ở Việt Nam phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị hiệu quả bệnh ung thư và các bệnh hiểm nghèo như thần kinh, tim mạch, tiêu hóa. Sản xuất dược chất phóng xạ y tế từng bước được tự chủ với năng lực sản xuất trong nước đạt 1000Ci/năm trên lò phản ứng nghiên cứu và 350Ci/năm trên 05 hệ thống máy gia tốc. Năng lực ứng dụng công nghệ y học hạt nhân của Việt Nam hiện ở mức trung bình so với các quốc gia trong khu vực Châu Á, đạt trên trung bình so với khu vực Đông Nam Á.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá là quốc gia đứng thứ 8 thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống bằng chiếu xạ gây đột biến với một số giống cây chủ lực được tạo ra như lúa (trong đó có ST25 đã 2 lần nhận được cúp Gạo ngon nhất thế giới).
Tính đến năm 2023, chúng ta đã tạo ra và gieo trồng khoảng 80 giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu hạn, úng và kháng bệnh cao. Cả nước hiện có 14 cơ sở chiếu xạ công nghiệp, trong đó chiếu xạ nông thủy sản đã phục vụ hiệu quả cho xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Úc,…
Chiếu xạ vải thiều trước khi xuất khẩu sang Úc tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội. Ảnh: Phạm Anh |
Kỹ thuật thủy văn đồng vị đã góp phần quan trọng trong đánh giá trữ lượng, nguồn bổ cập của nguồn tài nguyên nước ngầm cũng như đánh giá an toàn công trình đập thủy điện. Kỹ thuật kiểm tra không phá hủy bằng bức xạ đã giúp đánh giá chất lượng kết cấu, tuổi thọ công trình giao thông, xây dựng, công nghiệp và năng lượng. Kỹ thuật đồng vị đã được ứng dụng để đánh giá sa bồi cảng biển, bồi lấp lòng hồ đập thủy điện, đánh giá xói mòn đất, thử nghiệm trong ngành dầu khí giúp tăng cường hiệu suất thu hồi dầu. Công nghệ bức xạ đã tạo ra nhiều chế phẩm phục vụ sản xuất và đời sống, thân thiện môi trường như chế phẩm kích thích tăng trưởng và bảo vệ thực vật, thức ăn nuôi tôm, gia cường đặc tính dây cáp điện bằng khâu mạch bức xạ,… Các kỹ thuật phân tích hạt nhân đã góp phần đánh giá các loại ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, góp phần cho phát triển bền vững.
Ở phạm vi quốc tế, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã khẳng định công nghệ hạt nhân và các kỹ thuật hạt nhân đã đóng góp vào 9/17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, đồng thời đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu. Qua đó thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của ứng dụng năng lượng nguyên tử đối với sự phát triển toàn cầu.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ KH&CN cũng chỉ rõ, các kết quả ứng dụng năng lượng nguyên tử ở nước ta vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, triển vọng và đòi hỏi của thực tiễn. Bước sang một giai đoạn mới của phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, khoa học và công nghệ nói chung và lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân nói riêng cần được đẩy mạnh hơn nữa nhờ sự hợp tác chặt chẽ, thường xuyên, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, sự đóng góp từ các tổ chức khoa học và công nghệ của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức quốc tế để đưa ứng dụng của năng lượng nguyên tử tham gia vào giải quyết những vấn đề, yêu cầu đặt ra trong thực tiễn cuộc sống, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử
Nhấn mạnh những ứng dụng năng lượng nguyên tử đối với phát triển kinh tế-xã hội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho biết, Bộ KH&CN đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai công tác lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch được xây dựng sẽ là công cụ quản lý nhà nước giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; đề ra định hướng cơ bản dài hạn, xác định các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình có đóng góp tích cực, trực tiếp và hiệu quả cho phát triển đất nước trong các ngành, lĩnh vực.
Đồng thời đề ra định hướng và phương án đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân, các cơ sở ứng dụng và cơ sở đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, là căn cứ để hoạch định các chính sách và kiến tạo động lực phát triển, xây dựng kế hoạch, giải pháp và huy động nguồn lực thực hiện.
Đánh giá vai trò của ứng dụng năng lượng nguyên tử, bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN) cho biết, trong 4 mục tiêu của Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử đến năm 2030, đáng chú ý là hệ thống các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được quy hoạch tinh gọn, nâng cấp về cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng nhân lực, hoạt động có hiệu quả; các hoạt động ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ được triển khai rộng rãi, hiệu quả, góp phần tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, nâng cao sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Theo PGS.TS Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, các quy hoạch trước đây trong nghiên cứu, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử tương đối bài bản, song chưa gắn liền với nhu cầu thực tiễn. Để xây dựng quy hoạch cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong lĩnh vực nông nghiệp, trước mắt, cần tăng cường ứng dụng các công nghệ đã chứng minh được tính hiệu quả là tạo và chọn giống cây trồng đột biến, chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi, chế biến, bảo quản nông sản và các sản phẩm nông nghiệp khác.
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu để tiếp nhận, tiếp cận các ứng dụng bức xạ và hạt nhân trong nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, đặc biệt trong quá trình sàng lọc và chọn giống; nghiên cứu các quy trình chiếu xạ thực phẩm trên máy gia tốc… và các kỹ thuật đồng vị hiện đại khác, nhằm làm chủ và chuyển giao ứng dụng cho toàn ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2030-2050, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
TS Đặng Thanh Lương, chuyên gia Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, các viện nghiên cứu, trung tâm xạ trị, trung tâm y học hạt nhân và điện quang cần có cơ chế phối hợp xây dựng bộ dữ liệu lớn nhằm triển khai kỹ thuật, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán hình ảnh và điều trị bệnh. TS Đặng Thanh Lương đề xuất các bộ ngành, đơn vị chuyên môn xây dựng hành lang pháp lý cho việc ứng dụng AI cho ngành y tế, ứng dụng y học hạt nhân./.