Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kết nối du lịch Tây Bắc và các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Ba, 11/04/2023 16:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng mong muốn sẽ kết nối tốt với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo nên chuỗi các tour, tuyến sản phẩm du lịch độc đáo ở các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh…

Trong 4 ngày (từ ngày 8 - 11/4), tại TP. Cần Thơ, nhóm hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tổ chức “Tuần Du lịch Văn hóa Tây Bắc năm 2023” chương trình với rất nhiều hoạt động hấp dẫn, mang đậm hương sắc của khu vực Tây Bắc nhằm xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch giữa vùng Tây Bắc và các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực du lịch.

Tám tỉnh Tây Bắc mở rộng xúc tiến du lịch lần này gồm: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ. Đây là vùng sở hữu nguồn tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng.

Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt, được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ. 

Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt, được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái. Tây Bắc có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, là niềm khát khao chinh phục của rất nhiều người; Sa Pa- thị trấn trong mây với khí hậu quanh năm mát mẻ; danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Căng Chải với những khu ruộng bậc thang nổi tiếng; hồ Pá Khoang rộng lớn nằm giữa một vùng thiên nhiên cảnh đẹp hùng vĩ với thảm thực vật phong phú, khí hậu ôn hòa; rừng Mường Phăng là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên; thung lũng Mai Châu bình yên với sắc màu của cây cỏ, đồng lúa và xen lẫn những mái nhà nhỏ; cao nguyên Mộc Châu rộng lớn và tươi đẹp với những loài hoa nở rất nhiều ở vùng núi Tây Bắc như hoa ban, hoa mận, hoa đào…

Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây: Ẩm thực Tây Bắc với gà mò, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố... Bên cạnh những món ăn đặc sắc, độc đáo là những giá trị văn hóa, lịch sử thiêng liêng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Tây Bắc có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, là niềm khát khao chinh phục của rất nhiều người. 

Vẻ đẹp không đâu có của núi rừng và văn hóa Tây Bắc luôn thôi thúc lữ khách lên đường rời xa những đô thị sôi động để đến với vùng đất trời rộng mở, hùng vĩ, bình yên và bí ẩn. Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây…

Trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên, văn hóa độc đáo đó, 8 tỉnh Tây Bắc mong muốn sẽ kết nối tốt với vùng ĐBSCL, tạo nên chuỗi các tour, tuyến sản phẩm du lịch độc đáo ở các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh...

Đại diện cụm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Đây là vùng đất có sự đa dạng sinh học với các khu rừng nguyên sinh, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên, đất ngập nước, núi, rừng, sông, suối, biển đảo...

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch.  

Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất lương thực quốc gia, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hai sản mà còn là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có phong tục tập quán lâu đời, có nhiều di tích văn hóa-lịch sử, lễ hội và nét văn hóa đặc trưng, sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc và nổi tiếng với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, ẩm thực dân gian...

Các lợi thế đó đã hình thành nên nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa đặc trưng của các địa phương trong vùng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch.

Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 103 của Chính phủ về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, hoạt động du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực. Các dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng, từng bước đưa thương hiệu du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển du lịch là mở rộng hợp tác liên tỉnh, liên vùng. Do đó, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long mong muốn sẽ kết nối xúc tiến du lịch với vùng Tây Bắc, dựa trên những nét chung và nét riêng có của từng vùng. Từ đó gia tăng trải nghiệm và giá trị cho du khách.

Ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Bắc có điểm chung là 2 vùng khó khăn nhất cả nước về cơ sở hạ tầng. Tài nguyên du lịch 2 vùng khác nhau, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng châu thổ sông nước; sản phẩm Tây bắc là rừng, núi. 2 vùng ở khá xa nên cần kết nối và phát huy thế mạnh của nhau. Để phát triển bền vững, 2 vùng cần có sản phẩm du lịch có hàm lượng văn hóa, tính nghệ thuật cao; kết hợp hiện đại, tinh tế, nhằm tạo ra được sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh, góp phần thu hút du khách trong nước và quốc tế trong thời gian tới.

T.H

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN