Kết nối doanh nghiệp tỉnh Hà Giang với các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn Hà Nội
(ĐCSVN) – Nhằm quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường, xúc tiến tiêu thụ ổn định cho sản phẩm cam và các sản phẩm OCOP Hà Giang niên vụ 2020-2021 và các năm tiếp theo, chiều 3/12, tại Hà Nội, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức chương trình kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp của tỉnh và các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn Hà Nội.
Đại diện các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ và cả hợp đồng hợp tác tại chương trình (Ảnh: HNV) |
Phát biểu tại chương trình, ông Trần Việt Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cho biết, Hà Giang được biết đến là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng với nhiều tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp hữu cơ, trong những năm qua thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, song song với việc quy hoạch định hướng lại hàng hóa nông nghiệp gắn với ban hành các cơ chế, chính sách tập trung cho các sản phẩm như cam, chè, mật ong, dược liệu, đại gia súc và chương trình OCOP.
Đến nay, toàn tỉnh có 07 sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý gồm: cam sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, gạo tẻ Già Dui, hồng không hạt, sản phẩm thịt bò và thảo quả; đồng thời, thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, gắn hoạt động kinh tế của làng nghề với thương mại dịch vụ, du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, tỉnh đã đánh giá, phân hạng cho 82 sản phẩm đạt 3 sao, 36 sản phẩm đạt 04 sao và 02 sản phẩm đạt 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, công nhận...
Sản phẩm cam OCOP Hà Giang trưng bày, giới thiệu và bán tại Hội chợ AgroViet 2020 (Ảnh: HNV) |
Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hà Giang, nhằm tăng giá trị sản xuất, kết nối người sản xuất với người tiêu dùng là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh quan tâm triển khai và đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nhiều sản phẩm đã tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và đã khẳng định được vị thế trên thị trường nhờ uy tín, chất lượng, điển hình như: sản phẩm cam sành Hà Giang có diện tích lớn nhất các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc với tổng diện tích là 6.849,1 ha, được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”; sản phẩm chè có sản lượng đứng thứ 3 cả nước (trong đó có 7.200 ha trà Shan tuyết cổ thụ) và tại cuộc thi Trà quốc tế 2019 tổ chức tại Pháp, sản phẩm Trà Shan tuyết Cổ thụ Tây Côn Lĩnh của Hà Giang đã đạt được 3 giải thưởng cao nhất... Thông qua công tác xúc tiến thương mại một số sản phẩm nông sản của tỉnh Hà Giang đã tạo được thị trường ổn định và tiêu thụ mạnh ở trong nước như cam sành, chè, mật ong…, đặc biệt sản phẩm chè đã xuất khẩu sang thị trường một số nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Châu Âu. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực của tỉnh trong chính sách phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao an toàn với người sử dụng.
Trong niên vụ 2020 – 2021, sản lượng cam (cam vàng và cam sành) cho thu hoạch ước đạt khoảng 63.000 tấn; sản lượng mật ong dự kiến cho thu hoạch khoảng trên 200.000 lít; sản lượng chè đạt trên 70.000 tấn/năm, chủ yếu là chè đen, chè vàng, chè xanh.
Nhân dịp này, đã có 8 biên bản ghi nhớ, hợp đồng được ký kết. Theo đó, gồm các đơn vị: HTX Anh Tài với siêu thị Big C Hà Nội; đại diện HTX Hải Khang với đại diện cửa hàng thực phẩm sạch Yến Ngân, Ba Đình, Hà Nội; HTX nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc và Co.op mart Hà Nội; HTX Minh Quang và đại diện công ty xuất nhập khẩu quốc tế Vạn Long; công ty cổ phần Cam Ta và công ty Amyfa Mộc Châu; HTX Anh Tài và hệ thống siêu thị Đức Thành; HTX Hải Khang và siêu thị BigC Hà Nội; HTX nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc và công ty cổ phần Sói biển Trung Thực./.