Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kéo dài thời gian thí điểm cơ chế đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 12/10/2022 14:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đến hết 31/12/2023...

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 16, sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh; báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Tăng cường tính tự chủ, năng động, sáng tạo

Theo đánh giá của Chính phủ, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 có thể coi là quyết sách quốc gia kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho Thành phố, cơ bản nhận được sự quan tâm và đồng thuận trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thành phố. 

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 - 2015.

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng) 

 Sau khi kinh tế Thành phố tăng trưởng chậm lại trong năm 2020 và 2021 do tác động của dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng Quý I đạt 1,87%, quý II đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015). 

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Theo đánh giá của Thành phố, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép Thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. 

Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của Thành phố. 

Việc điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn…

Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội, Chính phủ cũng chỉ rõ, việc thực hiện Nghị quyết đã tạo khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách đặc thù khác so với một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội đối với Thành phố Hà Nội.

Đồng thời, huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Với Nghị quyết này, Thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có như nguồn cải cách tiền lương còn dư; nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn,...để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và kịp thời giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông…

Thực tiễn chứng minh thí điểm là cần thiết và đúng đắn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng) 

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao ghi nhận các địa phương chủ động có tổng kết, sơ kết việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Cơ bản tán thành với báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội khẳng định 2 nghị quyết là cần thiết, quá trình thực hiện đã chứng minh tính đúng đắn, các cơ chế, chính sách đã hỗ trợ thiết thực trong phát triển kinh tế xã hội của 2 trung tâm lớn của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong quá trình thí điểm một số cơ chế, chính sách được nghiên cứu để phổ cập hơn trước khi nghiên cứu xây dựng chính sách chung đại trà.

Ví dụ như Thành phố Hà Nội có chính sách sử dụng ngân sách của các quận, huyện có điều kiện hơn để hỗ trợ một số huyện khó khăn hơn, nhất là trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ an sinh xã hội. Báo cáo thẩm tra cho thấy chính sách này hiệu quả, chính sách này đã được tiếp tục cho thí điểm đối với tỉnh Khánh Hòa. Việc thí điểm nếu thấy tốt sẽ được phổ cập. Đây là hướng đi đúng đắn. Những chính sách này có tác dụng thực sự, rất cần cho các địa phương trong giai đoạn này.

Bên cạnh một số chính sách đi vào cuộc sống khá nhanh, do nhiều nguyên nhân khách quan chủ quan, tác động của đại dịch ảnh hưởng đến việc thực hiện một số chính sách triển khai chưa thực sự đồng đều, có chính sách hiệu quả chưa cao, tác động còn hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, hạn chế trong thực hiện một số chính sách là tình hình chung không chỉ ở Thành phố Hà Nội, Thành phố Chí Minh mà các địa phương khác cũng vậy. Trong đó, có những chính sách rất thuận, đúng, trúng, đi vào cuộc sống rất nhanh như tăng chi tiền lương, thu nhập cho cán bộ, công nhân viên chức; các cơ chế sử dụng các nguồn ngân sách thì các cơ quan, đơn vị tích cực đề xuất hơn, vì dễ hơn. Còn những cơ chế, chính sách để động viên, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung còn rất hạn chế như chính sách được hưởng số thu của việc sắp xếp các cơ sở nhà đất của Trung ương, cổ phần hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nếu xử lý được sẽ có thể có nguồn thu nhưng do các nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau.

Qua xem xét báo cáo, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 và đã kéo dài phải có thời hạn, ít nhất khoảng một năm. Trong thời gian đó, các cơ quan có quỹ thời gian và có điều kiện để nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo hơn để đề xuất, một số chính sách có thể thể chế hóa bằng luật pháp chung, một số chính sách mới phải thí điểm thêm. Tương tự, Hà Nội nghiên cứu kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh để tổng kết, đánh giá sớm hơn.

Cần tổng kết quá trình thực hiện

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá, thời gian qua, dù hai thành phố đã tích cực thực hiện hai Nghị quyết của Quốc hội, triển khai các chính sách, cơ chế đặc thù về đất đai, về phí, lệ phí, đầu tư, tài chính, ngân sách… tuy nhiên do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh, tiến độ triển khai còn chậm, hiệu quả của các chính sách này còn chưa rõ ràng như kỳ vọng của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng cần tổng kết quá trình thực hiện để nhìn nhận rõ những bài học kinh nghiệm rút ra, đề xuất thêm những cơ chế chính sách cần thiết phải tiếp tục áp dụng trong thời gian tới. Thành phố phải thực sự quyết tâm, nghiên cứu đưa ra những thay đổi, những chính sách mang tính đột phá hơn, đồng thời xem xét chính sách nào chưa đạt được hiệu quả để phân tích kỹ, có giải pháp, rút ra kinh nghiệm cụ thể.

Nêu quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện và báo cáo của Chính phủ cho thấy có một số chính sách triển khai thực hiện chậm, một số chưa thực hiện vì nhiều lý do khác nhau, một số chính sách đã được pháp luật quy định áp dụng chung, không còn tính chất đặc thù, do đó đề nghị Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ và sâu sắc hơn với những chính sách chậm triển khai thực hiện.

Góp ý tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, trong quá trình thực hiện thí điểm cũng cần nghiên cứu và tổng kết thực tiễn ngay trong quá trình thực hiện để đề nghị sửa luôn vào các luật trong năm 2023, bởi mục đích của việc thí điểm nếu thấy phù hợp với thực tiễn thì đưa vào luật. Còn đến khi hết thời gian thí điểm sẽ tiến hành tổng kết toàn bộ và đề xuất một cách tổng thể. Thời gian từ nay đến năm 2023 tiếp tục thực hiện và yêu cầu Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện tốt yêu cầu Quốc hội đã quyết định trong Nghị quyết.

Tương tự, đối với Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận những kết quả đạt được trong ba năm và yêu cầu Chính phủ, thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp các cơ quan để thực hiện thời gian còn lại. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết thường xuyên tiến hành tổng kết, sơ kết, nếu thấy vấn đề đã chín, đã rõ có thể đề xuất đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội trong năm 2023.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất đánh giá việc ban hành hai Nghị quyết này là quyết sách đúng đắn của Quốc hội, đồng thời đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các Bộ, cơ quan liên quan đã khắc phục nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là 02 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, để triển khai thực hiện.

Các Nghị quyết bước đầu đóng góp vào sự phát triển của 2 thành phố, nhưng bên cạnh đó cũng còn hạn chế trong tổ chức thực hiện, phát huy các nguồn lực được phân cấp thí điểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý hoàn thiện báo cáo tổng kết, sơ kết hai Nghị quyết gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4./.

Kim Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN