Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

(ĐCSVN) - Cùng với lãnh đạo thực hiện thành công “nhiệm vụ kép”, Hà Nội còn đảm bảo được an sinh xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Đặc biệt, TP đã tập trung xử lý thành công nhiều vụ việc mới phát sinh, đặc biệt là những vụ việc phức tạp, tồn đọng, bức xúc từ nhiều năm được giải quyết trong năm 2020.

Những ngày cuối tháng 9/2020, căn nhà đại đoàn kết của bà Dư Thị Phúc, ở xóm Nam Hòa 2, thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa thật ấm áp. Chưa đầy ba tháng trước, cũng chính tại nơi này là căn nhà cấp bốn xập xệ, dột nát, tường bong tróc, mấy cây gỗ làm trụ mái hiên cũng bị mối mọt xông. Bà Phúc thuộc diện hộ nghèo của xã, tuổi đã xế chiều, sống một mình, lại thường xuyên đau ốm, cho nên dù có muốn cải tạo, sửa chữa nhà nhưng cũng đành bất lực.

Bà Phúc xúc động chia sẻ: “Nếu không có 30 triệu đồng hỗ trợ của MTTQ TP, 10 triệu đồng của huyện và xã tạo động lực, thì chắc giờ này tôi vẫn phải sống trong ngôi nhà cũ nát với nỗi lo lắng thường trực khi mùa mưa, bão tới. Sau khi có sự hỗ trợ của TP, của huyện, xã và anh em họ hàng, làng xóm, mỗi người giúp một chút, cộng với chút tiền dành dụm được, tôi đã có được ngôi nhà trị giá 150 triệu đồng cùng nhiều đồ gia dụng mới. Tôi rất biết ơn Nhà nước, TP, lãnh đạo huyện, xã, thôn và các nhà hảo tâm”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, nhà của bà Dư Thị Phúc nằm trong 90 nhà đại đoàn kết được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Quỹ “Vì người nghèo” các cấp TP, sự chung tay ủng hộ của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô và đặc biệt là sự ủng hộ của các quận, huyện không còn hộ nghèo trên địa bàn TP. Theo đó, ngoài kinh phí TP hỗ trợ 30 triệu đồng/nhà với tổng số 2,7 tỷ đồng, các địa phương còn hỗ trợ từ 10 - 20 triệu/nhà. MTTQ TP Hà Nội cũng vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ thêm những vật dụng, đồ dùng cho các hộ nghèo, như máy lọc nước, xoong nồi, bếp, đèn điện...

Dù phải vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa ổn định đời sống, phát triển kinh tế, nhưng với phương châm "Không để người nghèo nào bị bỏ lại phía sau", Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP đã tích cực tuyên truyền, vận động, ủng hộ quỹ "Vì người nghèo". Từ nguồn quỹ vận động được, gần 400 nhà Đại đoàn kết đã được xây dựng, hàng nghìn hộ nghèo được vay vốn, hỗ trợ về giống, phương tiện sản xuất, khám chữa bệnh, được nhận những phần quà khi tết đến, xuân về...

Trong năm 2020, chúng tôi có nhiều dịp theo chân Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đến thăm, tặng quà cho các đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; khởi công, khánh thành những ngôi nhà đại đoàn kết... Trong câu chuyện với những bệnh nhân chạy thận ở xóm trọ Thanh Trì, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của họ khi nhận được sự động viên, quan tâm kịp thời và tình cảm sẻ chia yêu thương mà các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ TP cũng như cả cộng đồng đang hướng về. Qua gian nan mới thấy, trong cuộc chiến chống lại COVID-19, tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” càng sáng rõ hơn bởi các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội của TP đã luôn đồng hành, chung tay với họ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này.

Cụ thể, trong năm 2020, Hà Nội đã chi trả chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng do COVID-19 với số tiền trên 600 tỷ đồng, đảm bảo nhanh, chính xác, đúng đối tượng. Ngoài ra, từ đầu năm 2020 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ để người dân yên tâm vừa phòng, chống dịch, vừa ổn định cuộc sống. TP đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo, các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; chi trên 100 tỷ đồng hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo... HĐND TP đã thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế, nội dung mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 được Nhân dân đón nhận, đánh giá cao như: Hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong ba tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung; hỗ trợ các giáo viên ngoài công lập gặp khó khăn khi tạm ngừng giảng dạy mùa dịch...

Bên cạnh đó, Hà Nội đạt những kết quả ấn tượng trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Năm 2020, toàn TP giải quyết việc làm cho hơn 180.000 người, đạt 116% kế hoạch. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh và đào tạo nghề cho 215.000 lượt người, qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn Hà Nội từ 67,5% vào cuối năm 2019 lên 70,25% vào cuối năm 2020, vượt kế hoạch đề ra.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng: Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung đông người dân các địa phương về sinh sống, học tập và lao động. Mặc dù phải đối mặt nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa, song TP luôn ưu tiên đầu tư các nguồn lực, ban hành nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sống của người dân. Đến nay, hệ thống chính sách an sinh xã hội tại Thủ đô ngày càng hoàn thiện, đồng bộ. TP còn ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống.

Nhờ những chính sách thiết thực của TP, sự chung tay của MTTQ, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đời sống của người nghèo đã được cải thiện, nhiều gia đình đã phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo. Năm 2020, toàn TP giảm thêm 2.500 hộ nghèo. Công tác giảm nghèo xác lập kỷ lục mới khi toàn TP cơ bản không còn hộ nghèo; 14/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo. Đáng mừng hơn, 100% gia đình người có công trên địa bàn Hà Nội có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với dân cư nơi cư trú. Hà Nội là đơn vị được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác giảm nghèo, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia của cả nước.

Điểm nhấn không thể không nói đến là cũng trong năm 2020, trong bối cảnh phải tập trung xử lý khối lượng công việc phát sinh rất lớn, Hà Nội đã tập trung xử lý các vấn đề dân sinh bức xúc, tồn đọng kéo dài nhiều năm được giải quyết trong năm, tạo được chuyển biến tích cực. Trong đó đáng phải kể đến việc hoàn thành xử lý vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ tại cuộc họp của Thành ủy Hà Nội về xây dựng Đảng gắn với giải quyết các vấn đề phức tạp, nổi cộm trên địa bàn TP vào năm 2020, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực thường xuyên liên lạc xin gặp Bí thư Thành ủy để trình bày về dự án. “Tôi đồng ý hẹn gặp và đã ngồi trao đổi hết lẽ 4 tiếng đồng hồ với chủ đầu tư. Tôi cũng nói với chủ đầu tư đây cũng là cuộc gặp duy nhất để sau này thành phố sẽ thống nhất xử lý sai phạm”, Bí thư Huệ nói.

Theo người đứng đầu Đảng bộ TP, việc xử lý sai phạm ở công trình này cần kiên quyết, nhưng cũng phải kiên trì. Sau gần 5 tháng, ngày 5/10/2020, quá trình tháo dỡ phần vi phạm tại dự án đã hoàn thành, bảo đảm yêu cầu, cải thiện bộ mặt đô thị và trật tự an toàn giao thông. Và việc xử lý sai phạm đã đáp ứng được 3 yêu cầu của Thủ tướng vào cuối năm 2019 là: Kỷ cương pháp luật; an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

Cùng với đó, trước những tồn tại và vướng mắc kéo dài nhiều năm của dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, trong năm 2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có nhiều cuộc họp chỉ đạo UBND TP, các sở, ngành liên quan tìm cách tháo gỡ. Các Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đối thoại trực tiếp với người dân ở khu vực có liên quan…. Và Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế, lắng nghe kiến nghị của Nhân dân và làm việc với toàn thể các bộ phận liên quan. Tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, người dân khu vực xử lý rác thải đã hy sinh nhiều quyền lợi cá nhân để chia sẻ với TP. Vì vậy TP, các cấp, các ngành cũng phải chia sẻ với người dân bằng tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động cao; vận dụng tối đa quy định của pháp luật và thẩm quyền nhưng phải công khai, minh bạch và công bằng.

Bí thư Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn phê bình huyện Sóc Sơn chưa làm hết trách nhiệm, còn thụ động trong giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền, đẩy trách nhiệm lên TP. “Một số kiến nghị, đề xuất của người dân, huyện hoàn toàn có thể giải quyết được, nhưng chưa tích cực, chủ động và còn tâm lý đứng ngoài cuộc” –Bí thư nói và yêu cầu huyện Sóc Sơn cần nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn, chủ động hơn, xác định đây là nhiệm vụ của huyện để giải quyết, phát huy phương châm “4 tại chỗ”.

Từ những chỉ đạo căn cơ, triệt để, quyết liệt của Bí thư Thành ủy, các cấp, các ngành và huyện Sóc Sơn đã xốc lại công việc. Đến nay, tình hình tại Khu Liên hợp đã ổn định và đang triển khai theo đúng tiến độ.

Bày tỏ vui mừng trước bước tiến này, Trưởng thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Chính cho biết, người dân trong thôn cảm ơn lãnh đạo TP đã chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra sát sao của các lực lượng nên môi trường trong thôn có chuyển biến rất rõ nét…

 

Riêng với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội đã cho thành lập tổ công tác chung làm nhiệm vụ đôn đốc tiến độ. TP cũng giao Sở Giao thông Vận tải tập dượt, kết nối xe bus công cộng với các tuyến đường sắt này. Dự án đang tiến hành chạy thử trước khi vận hành thương mại.

Ngoài ra, trong năm 2020, Hà Nội đã thúc đẩy rất nhiều công trình thuộc hệ thống hạ tầng giao thông quan trọng của TP như: Dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; Dự án đường Vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm; Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên… đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, được cử tri và Nhân dân hoan ngênh, đánh giá cao; qua đó, nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông lên trên 10% và giải quyết được 04/34 điểm ùn tắc giao thông, 08/35 điểm đen về tai nạn giao thông.

TP thống kê được 20 vấn đề dân sinh nổi cộm cần xử lý, trong đó có ô nhiễm không khí, môi trường, ùn tắc giao thông, trật tự xây dựng, cảnh quan đô thị... Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã chủ động mời Ban cán sự Đảng của 10 Bộ, ngành Trung ương như: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính… làm việc, không chỉ góp ý vào các kế hoạch, chiến lược phát triển của Thủ đô trong 5 năm, 10 năm tới mà còn để tranh thủ sự hỗ trợ và chung tay xử lý các vấn đề dân sinh bức xúc.

Ngoài những "bài toán khó" đó, khai thác cát sỏi trái phép trước đây cũng là vấn đề rất nhức nhối của Hà Nội. Nhưng trong kỳ họp HĐND cuối năm, TP đã chất vấn quyết liệt nội dung này, sau đó xử lý nghiêm một loạt tàu khai thác cát trái phép nên đã tạo ra tính răn đe rất cao.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nói: Lâu nay nhiều người vẫn nói "Hà Nội không vội được đâu", nhưng Thủ tướng cũng đã nói rồi, "Hà Nội không vội không xong". Nhiều vấn đề của TP không xử lý nhanh và ngay tức khắc, sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển…

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Hà Nội chỉ có những kết quả tốt đẹp mà không còn những khó khăn, tồn tại cần khắc phục. Đó là, tuy đã rất cố gắng nhưng số lao động được giải quyết việc làm giảm, thất nghiệp gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Công tác tuyển sinh, đào tạo nghề còn nhiều khó khăn. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của Hà Nội còn ở mức thấp. Vi phạm về bảo vệ môi trường, nhất là khai thác cát, sỏi vẫn diễn ra.

Có thể nhận định, trong suốt chiều dài lịch sử của Đảng bộ TP Hà Nội đã khẳng định rằng, chẳng khó khăn nào ngăn nổi bước ta đi.

Cùng với đó, quy mô, khối lượng, tính chất phức tạp của những nhiệm vụ ngày càng lớn, với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong khi nguồn lực còn hạn chế, năng lực của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ý thức kỷ luật có chuyển biến song chưa đồng bộ; sự phối hợp giữa ngành với ngành, giữa ngành với cấp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện một số công việc, lĩnh vực được phân công, phân cấp, ủy quyền còn bị động, thiếu chặt chẽ…

Những hạn chế này cũng chính là động lực để TP tiếp tục vươn lên để vượt qua trở ngại và thách thức trong thời gian tới. Bởi suốt chiều dài lịch sử của Đảng bộ TP Hà Nội đã khẳng định rằng, chẳng khó khăn nào ngăn nổi bước ta đi. Như lửa thử vàng, gian nan thử thách ý chí!.

 

Thu Hà - Thực hiện: Phạm Cường

Bài 1: Vững tay chèo, vượt sóng cả

Bài 2: Thành công từ sự chung sức, đồng lòng

Bài 4: Tỏa sáng tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”

Bài 5: Vững tin đón vận hội mới

15/01/2021 15:55
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN