Ít nhất 23 binh sĩ tại Ấn Độ mất tích do lũ quét
(ĐCSVN) - Khởi tố đối tượng bắt cóc trẻ em đòi 2 tỷ đồng tiền chuộc ở Long An; Ngành đường sắt mở bán vé tập thể tàu Tết Nguyên đán từ 15/10; Trung Quốc hủy nhiều chuyến bay và đóng cửa trường học do bão Koinu; Ít nhất 23 binh sĩ tại Ấn Độ mất tích do lũ quét… là những thông tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (4/10).
Khởi tố đối tượng bắt cóc trẻ em đòi 2 tỷ đồng tiền chuộc ở Long An
Ngày 4/10, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Long An cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Sơn (34 tuổi, ngụ huyện Thủ Thừa, Long An) về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại khoản 4 Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Sơn là đối tượng bắt cóc bé gái 3 tuổi đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng, gây xôn xao dư luận.
Đối tượng Nguyễn Thanh Sơn bị Công an huyện Tân Phú (Đồng Nai) bắt giữ khi đang trên đường lẩn trốn. Ảnh: TTXVN |
Theo Công an Long An, chiều 2/10, tại một trường mầm non ở khu dân cư Kiến Phát, Phường 6, thành phố Tân An (Long An) xảy ra một vụ bắt cóc, nạn nhân là bé gái L.M.C (3 tuổi, ngụ Phường 2, thành phố Tân An).
Sau khi bắt cóc, đối tượng đưa con ruột và bé gái nạn nhân về nhà ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa. Sau đó, đối tượng để con trai ruột tại nhà và tiếp tục đưa bé đi về hướng Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng điện thoại nhắn tin cho bố mẹ cháu bé, yêu cầu chuyển tiền chuộc 2 tỷ đồng.
Nhận được thông tin con bị bắt cóc, 16 giờ 30 phút, người thân đã trình báo Công an Long An. Lực lượng chức năng đã lập tức vào cuộc và nhanh chóng xác định được đối tượng bắt cóc là Nguyễn Thanh Sơn.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành truy bắt đối tượng.
Đến 21 giờ 30 phút ngày 2/10, khi đối tượng đang có mặt trên một chuyến xe khách lưu thông theo Quốc lộ 20 qua địa bàn huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (hướng về tỉnh Lâm Đồng), bị lực lượng Công an đón chặn, bắt giữ.
Lực lượng Công an nhanh chóng đón và đưa bé gái về đoàn tụ với gia đình. Đồng thời, di lý đối tượng Nguyễn Thanh Sơn về Long An để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngành đường sắt mở bán vé tập thể tàu Tết Nguyên đán từ 15/10
Dự kiến, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ mở bán vé tập thể Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 từ 8 giờ ngày 15-22/10 tới.
Theo đó, đối tượng ưu tiên bán vé tàu tập thể là các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, trường đại học, cao đẳng, khu công nghiệp, khu chế xuất, các tổ chức xã hội, các đơn vị trong ngành đường sắt.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ mở bán vé tập thể cho dịp Tết Nguyên đán 2024 từ ngày 15-22/10 tới. Ảnh minh họa: Lê Anh |
Về số lượng đăng ký vé tập thể, khách có thể đăng ký cả lượt đi và lượt về, mỗi lượt từ 5 vé trở lên. Các đơn vị đăng ký mua vé tập thể Tết 2024 có thể đến các ga để đăng ký mua vé, mang theo giấy giới thiệu, danh sách mua vé tàu và các bảng tổng hợp lượt đi, lượt về.
Danh sách cần ghi rõ, chính xác họ và tên, số điện thoại, số giấy tờ tùy thân của người đi tàu; có thể dùng một trong các giấy tờ sau: căn cước công dân, giấy khai sinh của trẻ em dưới 14 tuổi...
Khi có nhu cầu lấy hóa đơn giá trị gia tăng (VAT), khách hàng cần cung cấp chính xác thông tin về tên đơn vị, địa chỉ, mã số thuế để được tạo hóa đơn điện tử.
Hiện trên tuyến Bắc-Nam đường sắt tổ chức chạy 4 đôi tàu Thống Nhất SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8; một đôi tàu Sài Gòn-Nha Trang SNT1/SNT2, một đôi tàu Sài Gòn-Đà Nẵng SE21/SE22 và một đôi tàu Sài Gòn-Phan Thiết SPT1/SPT2.
Trong các dịp lễ, Tết, ngành đường sắt sẽ chạy thêm hàng chục chuyến tàu trên các tuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Trung Quốc hủy nhiều chuyến bay và đóng cửa trường học do bão Koinu
Ngày 4/10, chính quyền vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục tại 5 huyện, thành phố đóng cửa, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân và sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão Koinu, dự kiến sẽ đổ bộ lên hòn đảo này vào sáng 5/10.
Tàu thuyền neo đậu nhằm tránh trú bão Koinu tại huyện Pingtung, Đài Loan (Trung Quốc) ngày 4/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các hãng hàng không thông báo hủy 87 chuyến bay nội địa và 25 hãng hàng không quốc tế cũng đưa ra thông báo tương tự đối với đường bay quốc tế.
Trong khi đó, tỉnh Phúc Kiến đã nâng mức ứng phó khẩn cấp với bão lên cấp III, tạm đóng cửa một số khu danh thắng và dừng mọi hoạt động tại các bến phà. Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh này cũng yêu cầu tất cả các tàu cá xa bờ tìm nơi trú ẩn gần nhất trước 18h00 ngày 4/10.
Theo cơ quan dự báo thời tiết tỉnh Phúc Kiến, bão Koinu di chuyển theo hướng Tây-Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, sẽ đổ bộ vào Đài Loan hoặc đi qua vùng duyên hải phía Nam hòn đảo này vào sáng 5/10. Tính đến sáng 4/10, gió tại vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật cấp 17.
Ít nhất 23 binh sĩ tại Ấn Độ mất tích do lũ quét
Ngày 4/10, quân đội Ấn Độ cho biết ít nhất 23 binh sĩ nước này đã mất tích sau khi mưa lớn gây ra đợt lũ quét tại thung lũng hẻo lánh ở bang Sikkim, Đông Bắc nước này.
Nhiều ngôi nhà bị ngập trong nước lũ ở thung lũng Lachen, bang Sikkim, Ấn Độ, ngày 4/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thông báo của quân đội Ấn Độ cho biết mưa lớn đã bất ngờ xảy ra tại hồ Lhonak tại Bắc Sikkim, khiến mực nước của đập Chungthang ở thượng nguồn dâng cao, buộc cơ quan quản lý phải xả nước xuống hạ nguồn. Điều này đã gây ra lũ lụt và lũ quét tại khu vực sông Teesta tại hạ nguồn. Ít nhất 23 quân nhân được thông báo bị mất tích trong khi nhiều phương tiện bị chôn vùi dưới lớp bùn đất. Hiện lực lượng cứu hộ đang triển khai hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Khu vực xảy ra lũ quét nằm gần biên giới của Ấn Độ với Nepal và Trung Quốc, trong khi hồ Lhonak ở dưới chân sông băng trên những đỉnh núi tuyết bao quanh Kangchenjunga, ngọn núi cao thứ ba thế giới. Theo quân đội, nước xả ở thượng nguồn từ đập Chungthang cho thấy mực nước tại sông Teesta cao hơn 4,5 m so với mức bình thường.
Lũ quét thường xảy ra trong mùa mưa, vốn kéo dài từ tháng 6 đến cuối tháng 9 tại tiểu lục địa Ấn Độ. Thông thường đến tháng 10, những cơn mưa lớn không còn xuất hiện tại Ấn Độ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các trận mưa trong mùa mưa tại nước này.
Cùng với mưa lớn gây lũ lụt, các sông băng tan chảy cũng xả ra một lượng nước lớn, trong khi việc xây dựng không theo quy hoạch tại các khu vực dễ xảy ra lũ làm cho mức độ thiệt hại do thiên tai ngày càng nghiêm trọng. Các sông băng trên dãy Himalaya đang tan chảy nhanh hơn bao giờ hết do Trái Đất ấm lên, khiến các cộng đồng cư dân đối mặt với những thảm họa khó lường./.