Israel thông báo đã ấn định thời điểm tấn công Rafah
(ĐCSVN) - Ngày 8/4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu xác nhận việc nước này đã ấn định ngày tiến hành chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah thuộc phía Nam Dải Gaza, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ gia tăng bất ổn và khủng hoảng nhân đạo vốn đã rất nghiêm trọng trong khu vực.
Xe tăng Israel tuần tra dọc theo biên giới Gaza-Israel ngày 7/4/2024. (Ảnh: Reuters) |
Thông tin trên được nhà lãnh đạo Israel đưa ra sau khi một số đồng minh cực hữu trong Nội các Israel cảnh báo về khả năng ông Netanyahu có thể sẽ phải rời bỏ cương vị thủ tướng nếu không tiến hành một cuộc tấn công vào Rafah. Trong khi đó, một đồng minh chủ chốt của Israel là Mỹ đang công khai gia tăng áp lực lên Thủ tướng Netanyahu để Israel không thực hiện một chiến dịch quân sự lớn ở thành phố phía Nam Dải Gaza. Rafah được coi là thành trì cuối cùng của phong trào Hamas ở Gaza, song cũng là nơi cư trú của hơn 1 triệu người phải di dời do xung đột leo thang.
Trong tuyên bố đưa ra vào cuối ngày 8/4, ông Netanyahu nhấn mạnh rằng lực lượng Israel sẽ tiến vào thành phố Rafah. Thông báo của Thủ tướng Netanyahu có đoạn: "Hôm nay, tôi nhận được báo cáo cụ thể về tiến trình đàm phán ở Cairo (Ai Cập), chúng tôi đang không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình, trước hết là thả tất cả con tin và giành được chiến thắng hoàn toàn trước Hamas". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Israel không tiết lộ cụ thể thời điểm tiến hành chiến dịch.
Ngày 8/4, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo rút lực lượng khỏi miền Nam Gaza, khép lại giai đoạn then chốt trong cuộc xung đột với lực lượng Hamas ở Gaza. Động thái trên đã giảm sự hiện diện trên bộ của quân đội Israel xuống mức thấp kể từ khu xung đột ở Gaza bùng phát vào tháng 10 năm ngoái. Quân đội Israel coi việc rút quân này là một phần của việc chuẩn bị cho các nhiệm vụ trong tương lai, bao gồm cả chiến dịch quân sự ở Rafah. Tuy nhiên, diễn biến này cũng nhen nhóm hy vọng rằng các bên sẽ sớm đạt được thỏa thuận về việc thả 133 con tin Israel bị Hamas giam giữ cũng như một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài khoảng 6 tuần ở Gaza.
* Những thông tin thận trọng về vòng đàm phán ở Cairo
Hôm 7/4, Israel và Hamas đều đã cử đại diện tới Cairo (Ai Cập) để tham gia đàm phán, cùng với sự tham gia của các nhà trung gian hòa giải của Qatar, Ai Cập và Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) William Burns. Sau vòng đàm phán mới nhất ở Cairo, ngày 8/4, Ngoại trưởng Israel - ông Israel Katz và Bộ trưởng Quốc phòng Israel – ông Yoav Gallant cho biết “một tiến trình đang được thực hiện”, trong khi ông Katz khẳng định các bên đã đạt đến “điểm quan trọng”.
Trả lời phỏng vấn với Đài phát thanh quân đội Israel, ông Katz tin tưởng: “Nếu vấn đề được giải quyết, một số lượng lớn con tin sẽ trở về nhà và theo từng giai đoạn, tất cả mọi người sẽ trở về… Tôi lạc quan hơn trước, nhưng chúng tôi không thể hứa hẹn nhiều khi ứng phó với Hamas.”
Về phía ông Gallant cho rằng, vẫn còn cơ hội để đưa các con tin trở về, nhưng làm như vậy sẽ đòi hỏi "những quyết định khó khăn". “Tôi tin rằng chúng ta đang ở thời điểm thích hợp, nhưng có một bên khác phải đồng ý với điều đó” – Bộ trưởng Quốc phòng Israel nói.
Trong cuộc họp diễn ra ngày 8/4, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng xác nhận thông tin cho rằng, một đề xuất đã được gửi tới Hamas vào cuối tuần qua và Mỹ đang chờ phản hồi của phong trào này.
Rafah đã trở thành thành trì cuối cùng của Hamas, song cũng là nơi ẩn náu của những người buộc phải di dời từ nơi khác ở Gaza. (Ảnh: AFP/Getty Images) |
Trong khi đó, tờ Financial Times dẫn một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho biết, mặc dù đã đạt được một số tiến triển, song những điểm vướng mắc chính vẫn còn tồn tại, đó là việc Israel bác bỏ yêu cầu của Hamas về việc cho phép dân thường quay trở lại phía Bắc Gaza và bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào cũng đều dẫn đến lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.
Cùng ngày, một quan chức của phong trào Hồi giáo Hamas cũng cho biết vòng đàm phán tại Cairo về ngừng bắn ở Dải Gaza không đạt được tiến triển nào. Thông tin này trái ngược với nhận định trước đó rằng tiến trình đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza đã đạt được tiến triển sau khi các bên tham gia nhất trí về những điểm cơ bản.
Rafah là nơi trú ẩn của khoảng 1,4 triệu người Palestine phải di dời và cũng là điểm tiếp nhận hàng viện trợ cho Gaza. Số phận của người dân ở Rafah là điều khiến các tổ chức nhân đạo và đồng minh của Israel quan ngại nhất khi Israel tiến hành chiến dịch tấn công quân sự thành phố này.
Liên hợp quốc và các chuyên gia viện trợ đã cảnh báo rằng bất kỳ hoạt động quân sự nào ở Rafah sẽ gây ra những thiệt hại khủng khiếp ở mức độ “không thể chấp nhận nổi” đối với Gaza./.